14.9.17

TAI HỌA TỪ VỤ NĂM CAM ĐẾN VỤ PMU18…



Vụ PMU18 là vụ kép gồm hai vụ án : Vụ tham nhũng tại PMU18 và vụ đàn áp các nhà báo và sĩ quan cảnh sát chống tham nhũng trong vụ PMU18. Vụ thứ nhất là điển hình lọt người lọt tội, còn vụ thứ hai là điển hình của oan sai. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến vụ thứ hai. Vụ này có liên quan đến vụ Năm Cam, ít nhất từ phía báo Thanh Niên thời anh Nguyễn Công Khế làm Tổng biên tập.
Trong vụ án Năm Cam, Ban chuyên án đã tuân thủ nguyên tắc pháp quyền khi bắt người, nghĩa là chỉ bắt người khi có đầy đủ chứng cứ phạm tội, chính vì vậy mà những kẻ bảo kê cho Năm Cam dù có quyền lực rất lớn cũng không ngăn cản được. Còn trong vụ PMU18, việc bắt giam và truy tố hai nhà báo và một số sĩ quan công an chống tham nhũng hoàn toàn không có một chứng cứ phạm tội nào, mà chỉ tuân theo sự “chỉ đạo” của vài người có quyền lực cao nhất nước lúc đó mà thôi.
Những người vì tư thù đang lăm le muốn lật lại vụ Năm Cam, dù đang nằm trong cơ quan nhà nước hay đang khoác áo “nhà hoạt động dân chủ”, hãy nhớ cho kỹ, nếu như Ban chuyên án vụ Năm Cam không tuân thủ nguyên tắc pháp quyền khi bắt người thì tướng Nguyễn Việt Thành và một loạt sĩ quan cảnh sát tham gia chuyên án đã vào tù trước khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam chứ chẳng đợi đến bây giờ cho các vị “lật lại”.
Cũng xin nói cho rõ thêm điều này nữa, Báo Thanh Niên tham gia vạch trần các đường dây ma quỷ trong vụ Năm Cam không phải “ăn theo” Ban Chuyên án, không phải ai đó “bật đèn xanh”, không phải để câu khách bán báo, mà chấp nhận đem tánh mạng của một loạt cán bộ, phóng viên của Báo để tham gia bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ sự trong sạch của chế độ, bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân. Ngoài anh Khế, anh Quốc Phong, anh Đặng Thanh Tịnh trong Ban Biên tập tham gia đứng mũi chịu sào, còn có một đội ngũ gồm anh Nguyễn Quang Thông, anh Huỳnh Ngọc Chênh, anh Kim Trí tham gia tổ chức và biên tập bài vở cùng các phóng viên lao ra sóng gió để tác nghiệp là các anh Nguyễn Việt Chiến, anh Hữu Phú, anh Nguyên Thủy, anh Võ Khối và nhiều anh chị em khác tham gia ở những mức độ khác nhau. Về phía cộng tác viên từng thâm nhập sâu vào đường dây Năm Cam có anh Đinh Bắc Giang và anh Song Hà. Riêng anh Hữu Phú từng bị đe dọa khởi tố trong một cuộc tác nghiệp, may nhờ ông Trương Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng) hiểu lý lẽ nên anh Hữu Phú mới thoát nạn.
Không chỉ đối với vụ Năm Cam, Thanh Niên còn có những điều tra phăng ra nhiều nhóm lợi ích lũng đoạn cơ quan nhà nước và nền kinh tế, điển hình là vụ khuất tất trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc xây dựng Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế, vụ Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế tạo thế cho doanh nghiệp độc quyền tăng giá thuốc, vụ nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách để biến Việt Nam thành một bãi rác, kiềm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ô tô và sự dối trá trong chất lượng xăng dầu… Với tư cách là Tổng biên tập, anh Nguyễn Công Khế đã phải đối mặt với sự trả thù hèn hạ của những kẻ giấu mặt nằm trong hoặc bảo kê cho các nhóm lợi ích nói trên. Có ít nhất 3 lần Năm Cam sát hại anh Khế không thành, lần cuối cùng trước khi Năm Cam bị bắt mà câu chuyện cũng đã được ghi lại trong một cuốn sách chuyên đề “Giải mã giang hồ” của NXB Công an nhân dân nên tôi không cần phải nhắc lại. Báo Thanh Niên đã liên tục bị kiểm toán, chỉ cần anh Khế tiêu cực thâm lạm một đồng của Báo thì anh đã bị mất chức từ lâu trước khi vụ PMU18 xảy ra. Bọn họ đã dựng một hồ sơ giả, vu cho anh cộng tác với Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ, họ đã “treo lơ lửng” cái hồ sơ giả đó để thỉnh thoảng mang ra uy hiếp anh, cũng may là hồ sơ đó đã lên tới người lãnh đạo cao nhất, cho nên mới có yêu cầu kiểm tra và một cuộc kiểm tra đã xác minh đó là hồ sơ giả, vì vậy mà anh mới vô tội (nhưng gần đây một số người lại dùng cái hồ sơ giả đó để đưa lên mạng nhằm tiếp tục tấn công anh).
Chuyên án chống tham nhũng trong vụ PMU18 không phải là kết quả của sự đấu đá nội bộ gì, mà là nỗ lực vô cùng lớn của các sĩ quan công an nhân dân chính trực. Phải biết rằng từ khi nước ta sử dụng vốn ODA cho đến lúc đó, ai cũng biết là tham nhũng từ nguồn vốn này là vô cùng trầm trọng nhưng hầu như không có vụ nào được điều tra xét xử, thì mới thấy nỗ lực đáng khâm phục của họ. Các sĩ quan này một lòng tin vào đường lối đổi mới, tin vào Nhà nước pháp quyền, tin vào sự trong sạch của cấp trên. Nhưng những nỗ lực của họ đã bị ngăn chặn, nên vụ án đã để lọt người lọt tội. Nhằm bảo kê cho tham nhũng, ngăn chặn những nỗ lực chống tham nhũng của các sĩ quan công an chính trực và các nhà báo, cơ quan cảnh sát điều tra bị vô hiệu hóa, thượng tá Đinh Văn Huynh bị bắt cùng với 2 nhà báo, tướng Phạm Xuân Quắc bị khởi tố. Trong vụ cụ thể này, cũng từ Bộ Công an, nhưng nỗ lực chống tham nhũng của một bộ phận sĩ quan cảnh sát đã bị cơ quan an ninh dập tắt. Tôi không nói các vị chỉ huy đương nhiệm của cơ quan an ninh vì các vị không có liên quan, nhưng các vị tiền nhiệm nếu có lương tâm thì nên sám hối.
Vụ PMU18 diễn ra trong thời gian tôi làm Tổng Thư ký tòa soạn, anh Quốc Phong là Phó Tổng biên tập phụ trách khu vực Hà Nội của báo. Tôi là người kiểm soát chặt chẽ cung cách tác nghiệp của anh Nguyễn Việt Chiến nên biết rõ sự cẩn trọng của anh trong vụ này. Toàn bộ những bài viết của anh Chiến trên báo Thanh Niên về vụ án này được tôi biên tập rất kỹ lưỡng, chúng hoàn toàn trung thực, trừ vài chi tiết nhầm lẫn nhỏ hoặc gây hiểu nhầm đã cải chính theo luật định, các chi tiết này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự trung thực trong những bài báo của anh. Trong suốt 3 năm, không có bất cứ sự phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền nói rằng anh Chiến viết sai.
Qua một số nguồn tin riêng, chúng tôi cũng đoán trước là anh Chiến sẽ bị bắt. Trước khi bị bắt, anh còn tranh thủ vào TP.HCM ghé tòa soạn giao cho tôi một số tài liệu gốc kèm băng ghi âm để nếu có việc gì sẽ đem ra đối chất.
Khi anh Chiến (cùng với anh Hải ở Báo Tuổi trẻ) bị bắt, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế đang công tác tại Côn Đảo. Là Tổng thư ký tòa soạn, tôi hoàn toàn không tự tung tự tác muốn làm gì thì làm trên mặt báo, mà phải tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế kiểm soát thông tin cũng như tôn chỉ mục đích của báo. Hôm sau, Thanh Niên đăng một bản tin “2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU18” kèm theo bài tường thuật quá trình Thanh Niên đã đưa tin về vụ án này cùng một số vấn đề đặt ra. Không ai có ý kiến gì về bản tin đó. Ngày hôm sau, 14-5-2008, tôi tập hợp các bài viết gồm các phỏng vấn quan chức, nhân vật của công chúng và ý kiến bạn đọc thành một chuyên đề và giật một cái tít chung “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”, kèm theo bài “Nhà báo và nhân dân” của nhà thơ Thanh Thảo trong mục Chào buổi sáng. Và sau tai họa của anh Chiến, tai họa đã xảy ra đối với Tổng Biên tập, với anh Quốc Phong và bản thân tôi bắt đầu từ dòng tít này.
Trước khi kể tiếp những gì diễn ra sau đó, xin lưu ý là với dòng tít nói trên chúng tôi không hề có ý biến Thanh Niên thành một tờ báo “đối lập”. Bởi vì ít nhất từ khi diễn ra công cuộc đổi mới đến giờ, báo chí vẫn phê phán bộ này ngành kia. Xa hơn nữa, từ khi lập Đảng và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, cụ Hồ vẫn kêu gọi phê bình và tự phê bình không có giới hạn. Phê bình Bộ Công an cũng như phê bình Bộ Giao thông, Bộ Y tế hay Bộ Công thương, có ai nói là chống Đảng chống Nhà nước đâu. Bộ Công an bắt người sai thì phải nói là bắt sai chứ, đã biết bắt sai thì phải yêu cầu thả ra, biết rõ là bắt sai mà không dám nói thì còn đâu tư cách nhà báo mà xuất hiện trên mặt báo nữa. Nói là chưa có tiền lệ thì tại sao lại không tạo ra tiền lệ để thực hiện lời dạy của cụ Hồ ? Đồng nhất Bộ Công an với Đảng và Nhà nước là chuyện “mới”, cho đến khi bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập thẩm vấn 13 buổi tôi mới “nhận thức’ được thực tế này (còn tiếp – Kỳ tới : Vụ PMU18, ai muốn xé bỏ pháp quyền ?)
HOÀNG HẢI VÂN

11.9.17

CHÍNH QUYỀN TP. ĐÀ NẴNG VẪN MUỐN CÁT CỨ LÀM QUỐC GIA RIÊNG

Câu chuyện phá nát khu bào tồn Sơn Trà để làm biệt thự, làm các dự án kinh tế và xây chùa đang gây bức xúc lớn trong dư luận và động đến hồn thiêng tổ tiên sông núi.

Có đủ căn cứ để khẳng định tất cả các dự án được những người lãnh đạo tiền nhiệm của chính quyền TP. Đà Nẵng cấp phép trên bán đảo Sơn Trà là trái luật. Nói rõ hơn là tất cả các diện tích rừng và đất nằm trong khu bảo tồn đã chuyển mục đích sử dụng mà không do Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng đều là phi pháp.
Thế nhưng, trong bản báo cáo mới đây nhất gửi Thủ tướng Chính phủ về bán đảo Sơn Trà (Báo cáo 223 ngày 29/8/2017), UBND TP. Đà Nẵng không hề đề cập đến các sai phạm trong cấp phép. Không những thế, họ còn khẳng định việc cấp phép phá nát khu bảo tồn là đúng pháp luật. Nghĩa là họ vẫn muốn hợp pháp hóa việc cấp phép sai luật của những người tiền nhiệm. Mà hợp pháp hóa những quyết định sai luật của chính quyền địa phương thực chất là xé bỏ luật pháp quốc gia để gián tiếp công nhận tình trạng cát cứ, cũng có nghĩa là gián tiếp công nhận địa phương đó tồn tại như một quốc gia riêng.
Về những vấn đề về pháp lý của câu chuyện Sơn Trà chúng tôi đã viết 8 bài đăng trên báo điện tử Một Thế Giới. Chỉ xin lưu ý thêm :
1-Nếu chính quyền hiện tại của TP. Đà Nẵng vẫn khăng khăng không thừa nhận sai phạm trong việc cấp phép phá nát khu bảo tồn thì chỉ có thể nói họ đang bị các nhóm lợi ích chi phối, nếu không muốn nói bị các nhóm lợi ích điều khiển. Chính quyền mà làm ngơ trước các hành vi phạm pháp thì Chính quyền đó nhất định đang đứng dưới một thế lực đứng trên pháp luật.
2-Chỉ cần một cuộc tổng kiểm tra tình trạng cấp phép giao đất trên bán đảo Sơn Trà thì mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ. Với những dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ ràng trong việc chuyển mục đích sử dụng đất lên tới hơn 1000 ha nằm trong khu bảo tồn thì cuộc tổng kiểm tra phải được tiến hành bởi các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ và cuộc tổng kiểm tra đó phải được giám sát bởi một cơ quan có thẩm quyền độc lập với các cơ quan tham gia tổng kiểm tra, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu Thủ tướng Chính phủ không tổ chức được một cuộc tổng kiểm tra như vậy và không xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân sai phạm thì nhất định phải có một thế lực đứng trên pháp luật lớn hơn chi phối Thủ tướng. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng không một thế lực đứng trên pháp luật nào có thể chi phối được Thủ tướng đương nhiệm.
Trong loạt bài 8 kỳ đăng trên Một Thế Giới từ 2-5-2017, bài thứ 6 nay không còn tìm thấy trên mạng nên xin post lại đây, còn những bài khác có dẫn đường link phía dưới. Bài này đề cập đến dự án 137 căn biệt thự tại khu vực Suối Đá Sơn Trà :
VẾT THƯƠNG CHÍ MẠNG CỦA RỪNG CẤM
Suối Đá là con suối lớn nhất của rừng cấm Sơn Trà. Nó không chỉ giữ vai trò trọng yếu trong trong việc cân bằng hệ sinh thái Khu bảo tồn mà còn là một trong những nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố.
Thời chính quyền cũ, người ta đã tạo ra một cái hồ để trữ nước chảy ra từ Suối Đá. Cái hồ đó được tạo ở vị trí và cách thức thuận với thiên nhiên, không xâm hại đến sự cân bằng của hệ sinh thái. Từ cái hồ này, người ta lấy nước sạch để cung cấp một phần cho thành phố. Đây là nguồn nước trong lành nhất.
Giờ thì nguồn nước không còn trong lành nữa và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, hệ sinh thái bị phá vỡ, khi những khu du lịch mang cái tên mỹ miều là “du lịch sinh thái” đang thi nhau khai thác lợi thế của con suối này. Trước khi những dự án mỹ miều kia đổ bộ vào Sơn Trà, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã “đi trước đón đầu” bằng một dự án không liên quan đến du lịch.
Đó là Khu biệt thự Suối Đá, được phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định 8090/QĐ-UB ngày 7-10-2004 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng với diện tích 313.330 m2 (31,333ha), trong đó đất xây dựng biệt thự là 100.280 m2 chia thành 143 lô. Diện tích còn lại dành cho cảnh quan và giao thông, công trình công cộng phục vụ cho khu biệt thự. Ngày 8-7-2005, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký tiếp Quyết định số 5499/QĐ-UB điều chỉnh tổng mặt bằng, rút số lô biệt thự xuống còn 137, tổng diện tích giữ nguyên.
Ngày 29-5-2006, UBND thành phố ra Quyết định 3351/QĐ-UBND ban hành quy định về giá đất “để thu tiền giao quyền sử dụng và cho thuê các lô biệt thự Suối Đá”, đồng thời giao cho Ban Quản lý dự án Sơn Trà – Điện Ngọc “thông báo công khai, rộng rãi các lô đất giao quyền sử dụng để tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết đến đăng ký, làm thủ tục ký hợp đồng và nộp tiền sử dụng đất tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; đồng thời phối hơp với các ngành chức năng, UBND quận Sơn Trà để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”.
Chúng tôi gọi đây là dự án “đi trước đón đầu”, vì một Khu biệt thự với 137 lô nằm sâu trong núi sẽ chẳng có giá trị bao nhiêu nếu như bên cạnh không nhộn nhịp những khách sạn sang trọng, những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Càng nhộn nhịp, chúng càng có giá.
Nói là “thông báo công khai, rộng rãi”, tức là đưa ra thị trường các lô đất biệt thự này, nhưng không mấy người biết. 137 lô đất biệt thự đó được “cấp” cho ai, được đem “cho tặng” hay đem bán, việc mua đi bán lại như thế nào, không ai biết, người biết chuyện thì không biết nói. Người ta đồn rằng những lô đất biệt thự này được “cấp” cho nhiều quan chức, cả địa phương và trung ương, nhưng lời đồn thì không bằng không chứng. Vả lại truy ra danh tánh những người sở hữu không nằm trong phạm vi đề cập của ký sự này.
Điều chúng tôi đề cập ở đây là, việc chính quyền “phân lô bán nền” biệt thự ở nơi cấm địa, kéo theo đó là một loạt các dự án “sinh thái”, “nghỉ dưỡng” cũng do chính quyền đưa vào, đã gây ra những vết thương chí mạng cho Khu bảo tồn, những vết thương “mắt thường” không thấy hết.
Cần biết, sau giải phóng, lượng nước chảy ra từ Suối Đá trong mùa khô đo được 250 m3/giờ. Khoảng 15 năm sau đó, dù rừng chưa bị phá nghiêm trọng như bây giờ, nhưng những tổn thương do việc phá rừng đã khiến cho lưu lượng nước trong mùa khô giảm mạnh, chỉ còn hơn 1/3. Ngày nay, lưu lượng nước từ Suối Đá trong mùa khô chỉ còn chưa bằng 1/10 sau giải phóng.
Ông Hoàng Đình Bá cho tôi biết số liệu nói trên. Ông đã âm thầm theo dõi diễn thế rừng và dòng chảy tại khu vực Suối Đá suốt hơn 40 năm nay. Tại đây, ông cũng có một khu vườn nhỏ khảo nghiệm cây cối. Cái vườn khảo nghiệm đó được lập ra trong diện tích 22,5 ha rừng bị phá trước đây. Ông bảo, hồi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng vô cùng cẩn trọng đối với Sơn Trà, mọi nghiên cứu khảo nghiệm chỉ cho phép tiến hành trong diện tích 22,5 ha rừng bị phá đó thôi, cấm đụng đến những nơi khác. “Không chỉ khu vực Suối Đá mà toàn bộ diện tích rừng cấm đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt”, ông nói.
Do rừng bị tổn thương nghiêm trọng nên không chỉ lượng nước chảy ra từ suối giảm mạnh mà nguy hiểm hơn, nước ngầm trong khu vực cũng dần dần cạn kiệt. Tại khu vực Suối Đá, ông Bá đã chỉ ra 11 vị trí sụt lún, ông đã lập một bản đồ những vị trí này và mô tả mức độ bị sụt. Tình trạng sụt lún chính là do nước ngầm cạn kiệt.Ông còn bảo, cái hồ ở Suối Đá cũng bị phù sa bồi lấp, thỉnh thoảng người ta phải nạo vét, cải tạo, trước đây không có như vậy. Đâu chỉ có Voọc chà vá chân nâu, đâu chỉ những loài thực vật, động vật nằm trong Sách đỏ mới cần được bảo vệ ở Sơn Trà. Bảo vệ Sơn Trà là bảo vệ cả một hệ sinh thái, là bảo vệ mối quan hệ đan xen, liên kết, dung dưỡng, chế ước lẫn nhau của muôn loài, dù chúng có trong Sách đỏ hay không. Đáng buồn là chẳng mấy ai quan tâm đến việc ông làm, chẳng mấy ai nghe những lời ông nói, nhất là khi ông đã quá già. Ông già 88 tuổi này không cô đơn giữa cỏ cây sông suối nhưng vẫn cô đơn giữa đồng loại, ngay cả những người yêu mến Sơn Trà tổ chức cuộc hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” diễn ra ở Đà Nẵng mới đây cũng không mời ông đến dự, dù ông hiểu về Sơn Trà và gắn bó với Sơn Trà hơn bất kỳ ai trên đất nước này. Ông bảo ông thì không cần mời, nhưng có nhiều anh em ở Viện Khoa học Việt Nam từng nghiên cứu sâu về Vườn Quốc gia Cúc Phương, nếu bàn về bảo tồn Sơn Trà nên mời thêm những anh em đó.
Còn chuyện này nữa, trong những ngày mưa to, dân Sơn Trà nhiều khi phải uống nước đục, dù nước được nhà máy xử lý trước khi cấp qua đường ống. Việc phát triển du lịch bừa bãi xung quanh khu vực Suối Đá trong khi không có những quy định chặt chẽ bảo vệ môi trường, chắc chắn ít nhiều cũng làm ô nhiễm nguồn nước.
Sự báo thù của thiên nhiên không chỉ trong tương lai mà ngay trong hiện tại. Và hứng chịu sự báo thù đó chính là người dân, đó cũng là sự oan ức.
HOÀNG HẢI VÂN

10.9.17

CÂU CHUYỆN 16 TẤN VÀNG

BÀI BÁO KẾT THÚC CÂU CHUYỆN 16 TẤN VÀNG

Ngày 4-10-2006, Báo Thanh Niên đã đăng bài báo kết thúc câu chuyện giới truyền thông trong và ngoài nước “vu” cho ông Nguyễn Văn Thiệu cuỗm 16 tấn vàng khi bỏ chạy ra nước ngoài. Đó là bài 1 trong loạt ký sự nhân vật 23 kỳ tôi viết về ông Lữ Minh Châu, nguyên Tổng Giám đốc (Thống đốc) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trước đó, Tuổi Trẻ cũng đã đăng loạt bài của nhà báo Bùi Thanh dẫn lời các nhân chứng khẳng định không có chuyện ông Thiệu lấy 16 tấn vàng. Nhưng với loạt bài đăng trên Thanh Niên, lần đầu tiên một quan chức có thẩm quyền của Nhà nước là ông Lữ Minh Châu đã chính thức xác nhận 16 tấn vàng vẫn còn nguyên trong kho, nhập vào tài sản quốc gia, từ đây câu chuyện mới không còn nói qua nói lại nữa.
Câu chuyện 16 tấn vàng vẫn đang là câu chuyện thời sự đối với truyền thông chính thống và truyền thông trên mạng xã hội, cũng như kinh nghiệm tiếp cận thông tin từ truyền thông. Một lời đồn, đã được báo chí trong nước và các hãng tin lớn trên thế giới như BBC biến thành sự thật, nếu như không được xác nhận có thể sẽ được ghi vào lịch sử. Trong khi chỉ cần có hiểu biết sơ đẳng về luật pháp quốc tế và chỉ cần động não một chút là đã thấy lời đồn đó sai sự thật.
Bởi vì nước Mỹ hay nước Anh, nơi ông Thiệu đến, là những quốc gia không thể dung túng tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không có nguồn gốc hợp pháp. Ông Thiệu cũng không thể mang số vàng đó sang Thụy Sĩ để gửi vào Ngân hàng được, vì không có một ngân hàng nào dám nhận một lúc 16 tấn vàng của một cá nhân ăn cắp, mà dù họ có nhận đi chăng nữa thì ông Thiệu cũng không thể làm cách nào mà “rửa” được số vàng này để rút ra kinh doanh hay tiêu dùng. Nếu như ông Thiệu mang số vàng để lập chính phủ lưu vong, thì nước sở tại như Mỹ hay Anh cũng không thể chấp nhận cho chứa chấp số vàng bất hợp pháp đó nếu không ban hành một đạo luật "hợp pháp hóa", mà một đạo luật như vậy khó có thể ra đời tại một nước văn minh, và ông Thiệu cũng không hề có ý định lập chính phủ lưu vọng. Cho nên, chẳng cần phải có xác nhận gì thì người có chút hiểu biết cũng có thể kết luận ngay câu chuyện 16 tấn vàng là lời đồn vô căn cứ.
Đây là toàn văn bài viết :
NGƯỜI “BUÔN TIỀN” TRỞ THÀNH BỘ TRƯỞNG
Kỳ 1 : TRỞ LẠI CÂU CHUYỆN 16 TẤN VÀNG NGÀY 30-4-1975
Năm 1986, ông làm Bộ trưởng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (nay là Thống đốc). Trước đó, ngày 30/4/1975, với tư cách là Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, ông là người tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ Sài Gòn cũ.
Trước đó nữa, ông là một trong những người chỉ huy "đường dây buôn tiền" có một không hai trong lịch sử nhân loại: Chuyển hàng trăm triệu USD tiền viện trợ thành tiền Sài Gòn ngay giữa thành phố Sài Gòn để phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ. Những câu chuyện về ông ly kỳ đến mức ngay cả những nhà làm phim trinh thám tài ba nhất cũng không tưởng tượng nổi. Ông là Lữ Minh Châu, thường gọi là ông Ba Châu.
Tôi đã phải năn nỉ suốt 2 năm trời ông Ba Châu mới đồng ý cho tôi viết về ông. Những con người chính trực một lòng vì dân vì nước bao giờ cũng thật thà khiêm tốn. Hệt một tính cách như Phạm Xuân Ẩn, ông Ba Châu nói công của ông "bé tí tẹo" thôi, không có gì để viết cả. Cái "đường dây buôn tiền", tức là Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục là do ông Phạm Hùng lập ra, ông Mười Phi là trưởng, còn ông chỉ là phó. Mãi đến chiều hôm qua, ông còn dặn: "Cậu phải viết cho cẩn thận, đề cao tôi là không có sức thuyết phục đâu!". Quả là "mệt" với sự khiêm nhường của ông già này.
NGUYỄN VĂN THIỆU KHÔNG VÀ KHÔNG THỂ LẤY ĐƯỢC 16 TẤN VÀNG
Và câu chuyện về ông xin được bắt đầu ở... khúc giữa. Nhân vừa rồi báo chí lật lại vụ Nguyễn Văn Thiệu "cuỗm" 16 tấn vàng khi bỏ chạy ra nước ngoài, hỏi ông là "đúng địa chỉ" rồi, vì ngày 30/4/1975 ông làm Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định.
Chuyện Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu mang theo 16 tấn vàng hồi đó được báo chí loan tin, sau này người nói có người nói không. Gần đây BBC lại đề cập đến thông tin này. Mới đây nhất Báo Tuổi Trẻ có một loạt bài dẫn lời các nhân chứng nói rằng không có chuyện đó. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Nhà nước về vấn đề này.
Tôi hỏi ông Ba Châu chuyện đó có hay không, ông nói ngay: "Hoàn toàn không có. 16 tấn vàng vẫn còn nguyên vẹn trong kho của ngân hàng".
"Nguyễn Văn Thiệu không lấy vàng đi, tại sao lâu nay Nhà nước mình không nói lại cho rõ?".
"Mình biết rất rõ là số vàng đó vẫn còn, đã được kiểm kê cẩn thận và đưa vào tài sản quốc gia, nhưng không đính chính vì đó là tin đồn đăng trên báo chí, có ai đặt câu hỏi chính thức với Nhà nước đâu".
"Sự thật là Nguyễn Văn Thiệu có ý định lấy đi 16 tấn vàng đó không?"
"Sau này chúng ta mới biết Nguyễn Văn Thiệu có kế hoạch đưa số vàng đó đi, nhưng không đưa đi được. Lấy số vàng đó đi là không dễ chút nào hết".
"Còn tiền thì sao? Theo hồi ức của ông Huỳnh Bửu Sơn đăng trên Tuổi Trẻ thì tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó được kiểm kê hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam...".
"Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng chúng ta tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê thì khối lượng tiền trong lưu thông thời điểm đó là 615 tỉ, gồm tiền mặt trong lưu thông 440 tỉ, còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi. Tôi không thể nhớ chính xác số giấy bạc dự trữ, những số liệu kiểm kê đó vẫn còn trong hồ sơ lưu trữ. Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, riêng số giấy bạc này được lệnh phải thiêu hủy, vì đó là số giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền".
"Còn châu báu, nữ trang?".
"Châu báu, nữ trang là đồ người ta gửi tại ngân hàng. Những thứ đó phải trả lại cho người gửi".
"Khi tiếp quản, liệu tiền, vàng có bị thất thoát không?".
"Theo tôi thì không thể. Ngân hàng của chính quyền cũ quản lý rất chặt, ta cũng chặt".
"Số vàng đó sau này đi về đâu?".
"Nó trở thành tài sản quốc gia, được quản lý theo luật pháp của chính quyền cách mạng, sau đó là của Nhà nước Việt Nam thống nhất".
"Còn tiền?".
"Tiền cũng vậy, được đưa vào lưu thông, đến năm 1976 thì đổi tiền mới".
TRẢ HẾT LẠI TIỀN CHO DÂN
Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục. Việc xử lý sau đó còn ngoạn mục hơn. Ông Ba Châu nói: "Đêm 30/4, Ban Quân quản các ngân hàng ra lời kêu gọi tất cả các quan chức, nhân viên các ngân hàng, kể cả thống đốc đúng 8h ngày 1/5 có mặt tại 17 Bến Chương Dương để nghe công bố lệnh tiếp quản các ngân hàng và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động, đồng thời công bố chính sách của cách mạng: chỉ quốc hữu hóa tài sản của địch, còn tài sản của nhân dân, của các tổ chức quốc tế sẽ được bảo đảm không bị xâm phạm. Lúc đó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển và một số phó thống đốc cũng có mặt. Những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, những anh chị em khác về nhà chờ triệu tập".
Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, ngân hàng này mang tên Ngân hàng quốc gia miền Nam, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Một ngân hàng nữa được thành lập, đó là Ngân hàng quốc gia Sài Gòn Gia Định, ông Ba Châu làm Giám đốc. Hồi đó có người thắc mắc tại sao lại có cái tên "Ngân hàng quốc gia", ông Ba Châu nói, cái này rất có lợi. Điều lợi thứ nhất, là chính cái tên đó đã giữ được "chân đứng" cho chúng ta, vì "Ngân hàng quốc gia Việt Nam" của chính quyền Sài Gòn cũ là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB). Điều lợi thứ hai là kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. "Thực ra, tiền gửi của ngân hàng cũ ở nước ngoài vẫn còn, khoảng hơn 100 triệu USD", ông Ba Châu tiết lộ.
"Chúng ta có trả hết lại tiền cho dân không?".
"Có chứ. Dân hỏi, các tổ chức quốc tế hỏi. Vì vậy phải dựng ngay cái Ngân hàng quốc gia Sài Gòn Gia Định. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi đã bắt đầu trả tiền tiết kiệm, đầu tiên trả khoảng 10% và trả hết ngay trong năm đó, năm 1975. Riêng các tổ chức quốc tế được trả nhanh hơn, trả ngay một lần".
HOÀNG HẢI VÂN

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...