9.6.18

Thư ngỏ gửi Quốc hội về dự thảo luật An Ninh Mạng



May 31, 2018

Một bản tóm gọn của lá thư này đã đăng trên tờ Một Thế Giới.

Tôi xin lỗi vì thư dài. Tôi đã cố gắng viết ngắn lại, đã chỉnh sửa nhiều lần và đây là phiên bản vừa ý nhất. Hi vọng mọi người sẽ đọc hết, cho ý kiến và chia sẻ với nhiều người khác. Dự thảo Luật An Ninh Mạng, nếu được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2018, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả chúng ta, không chừa một ai, nên tôi hi vọng sẽ có nhiều người hơn hiểu các vấn đề dự thảo này.

Ở Mỹ người dân có thể gọi điện thoại hoặc email cho dân biểu của họ để phản ánh vấn đề mà họ quan tâm. Ở Việt Nam mỗi thành phố hay tỉnh đều có Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội. Nếu bạn đồng ý với những gì tôi viết trong thư, tôi đề nghị scan rồi gửi email, hoặc gửi fax, hoặc in ra và gửi thư đến văn phòng nơi bạn đang sinh sống.

Chân thành cảm ơn những người bạn không tiện nêu tên ở đây đã đọc và chỉnh sửa các bản nháp.

--

Kính thưa Quốc Hội,

Tôi là Dương Ngọc Thái, kỹ sư an ninh mạng đang làm việc ở Mỹ. Tôi năm nay 34 tuổi, bắt đầu học và làm an ninh mạng từ năm 18 tuổi. Năm 20 tuổi tôi đã là trưởng phòng an ninh mạng của một Ngân hàng ở Việt Nam. Năm 2011, tôi rời Việt Nam sang Silicon Valley làm việc. Tôi là một chuyên gia nghiên cứu về an ninh phần mềm. Các phát hiện của tôi có ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của Internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới.


Tôi giới thiệu dài dòng như vầy với hi vọng Quốc Hội hiểu rằng tôi là một kỹ sư an ninh mạng có kinh nghiệm thực tế và được thế giới biết đến.

Để soạn thảo và thông qua một bộ luật đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn như Luật An Ninh Mạng, Chính phủ và Quốc hội cần phải dựa vào sự tư vấn và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Tuy vậy cho đến ngày 31/5/2018, mục “Ý kiến chuyên gia" trên trang Dự Thảo Online của Quốc hội không có ý kiến nào. Cá nhân tôi chỉ biết về dự thảo khi báo chí đưa tin. Với trách nhiệm xã hội của một chuyên gia, tôi viết thư này để chia sẻ với Quốc hội và những ai quan tâm góc nhìn của một người đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về an ninh mạng. Ba vấn đề tôi đặt ra và phân tích với Quốc hội (1) liệu dự thảo có đưa ra được các giải pháp chính sách thực sự để giải quyết vấn đề an ninh mạng? (2) tác động dự thảo đến doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế như thế nào; và (3) khuyến nghị của tôi cho luật an ninh mạng và chính sách an ninh mạng Việt Nam.

Đây là ý kiến của cá nhân tôi, không thể hiện quan điểm hay ý kiến của nơi tôi làm việc hay bất kỳ ai khác.

Chống nói xấu Đảng không đảm bảo được an ninh mạng


Tôi đã học và làm việc chung với nhiều giáo sư và chuyên gia hàng đầu thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai giải thích về an ninh mạng như đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nói trên tờ VnExpress: "An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình". Hiểu an ninh mạng như vậy là sai bản chất và có thể dẫn đến nguy cơ vừa mất an ninh quốc gia vừa kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Đúng là Việt Nam đã và đang liên tục bị tấn công trên không gian mạng. Năm 2014, giữa lúc người Việt trong nước và hải ngoại đang sôi sục vì Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, các chuyên gia đã phát hiện hệ thống máy tính của Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam bị xâm nhập. Tại sao lại là Bộ Tài Nguyên Môi Trường? Vì đây là cơ quan nhà nước sở hữu nhiều thông tin quan trọng về bản đồ, sơ đồ, hải trình, báo cáo… của các chuyến thăm dò dầu khí, khai thác ngư sản cũng như các hoạt động tuần tra bảo vệ của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Tập Đoàn Dầu Khí, Thông Tấn Xã và Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam cũng bị xâm nhập. Có nhiều bằng chứng để tin rằng những đối tượng đứng đằng sau các vụ tấn công này đến từ Trung Quốc.

Gần đây hơn, nhiều sự cố an ninh mạng cũng liên tục xảy ra:
  • Tháng 5/2016, ngân hàng Tiên Phong Bank bị hacker xâm nhập, đánh cắp 1,1 triệu đôla Mỹ (đại diện Tiên Phong Bank nói rằng họ phát hiện và chặn được tấn công đúng lúc).
  • Tháng 7/2016, mạng máy tính sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và Vietnam Airlines bị hacker Trung Quốc phá hoại.
  • Tháng 5/2017, ngay trong lúc ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang sang thăm Mỹ, hệ thống máy chủ email của Bộ Ngoại Giao lại bị hacker “lạ" xâm nhập.
  • Từ nhiều năm nay, các công ty công nghệ Việt Nam đã nằm trong tầm ngấm của những nhóm hacker “lạ". Tháng 4/2018, kẻ tấn công đã tung lên mạng thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, số điện thoại, email và mật khẩu của gần 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, công ty game và Internet lớn nhất Việt Nam.

Có lẽ không cần nói thêm, Quốc hội cũng hiểu rằng “chống truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước” không thể bảo vệ Việt Nam khỏi những vụ tấn công như trên.

Đảm bảo an ninh mạng không có nghĩa là phải hi sinh phát triển kinh tế và tự do của người dân


Trong lúc hệ thống mạng máy tính Việt Nam liên tục bị tấn công, chính phủ mất bí mật, doanh nghiệp bị mất tiền, người dân mất thông tin cá nhân, sẽ là một sai lầm chiến lược nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật An Ninh Mạng. Dự thảo này không có nhiều sáng kiến cụ thể có thể giúp Việt Nam kiện toàn an ninh mạng mà còn có khả năng cản trở đà phát triển kinh tế, kìm hãm sự tự do sáng tạo và xâm hại riêng tư của người dân.

Một vệ sĩ giỏi là người biết lùi lại phía sau, âm thầm quan sát, đảm bảo an toàn cho yếu nhân mà không gây cản trở công việc của họ. Một chuyên gia lành nghề là người hiểu mục tiêu kinh doanh của công ty, từ đó sáng tạo các giải pháp có sự cân bằng giữa an ninh, chi phí và tiện dụng để sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu khách hàng, giúp công ty kinh doanh thuận lợi, với những rủi ro chấp nhận được. Tôi hay nói với đồng nghiệp công việc của chúng ta không phải là chỉ là đảm bảo an ninh, mà là đảm bảo an ninh để công ty vẫn có thể sáng tạo và phát triển. Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ các nhóm làm sản phẩm, giúp họ đảm bảo an toàn thông tin mà vẫn có thể tự do sáng tạo, vẫn tiết kiệm được thời gian, công sức, chứ không thể bắt họ phục tùng. Nếu chính sách an ninh kìm hãm sự tự do sáng tạo, làm chậm tốc độ phát triển, thì chính sách đó chưa đạt yêu cầu. Kỹ sư an ninh mạng làm việc có tâm phải luôn trăn trở tìm cách để chính sách an ninh không những không gây cản trở, mà còn đem đến lợi thế cạnh tranh.

Tương tự như vậy, ở tầm quốc gia, một chiến lược an ninh mạng đúng đắn không thể bỏ qua phát triển kinh tế. Việt Nam cần đảm bảo an ninh mạng, nhưng an ninh mạng chỉ là phương tiện, không phải đích đến, để đạt đến các mục tiêu quan trọng nhất của đất nước là phát triển kinh tế, khai phóng con người, bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn vậy, lực lượng chuyên trách an ninh mạng quốc gia cần đóng vai trò người hỗ trợ chứ không phải người kiểm soát. Nhưng tôi e rằng trao quyền cho cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp vào cách doanh nghiệp điều hành và quản lý hệ thống thông tin của họ (như điều 26 và 24 dự luật) dễ dẫn đến lạm quyền, tạo điều kiện cho tham nhũng. Việc yêu cầu báo cáo, đánh giá - đi kèm với phê duyệt, chấp thuận - sẽ làm tăng chi phí; giảm sự sáng tạo; làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (vì thời gian là ‘vàng’ trong kinh tế số và thị trường công nghệ vốn cạnh tranh khốc liệt).

Bài toán mà Quốc hội cần phải đặt ra cho dự thảo Luật An Ninh Mạng là: làm thế nào để không bị tấn công mạng, nhưng vẫn giữ tốc độ phát triển kinh tế cao, đảm bảo tự do cho người dân, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của Việt Nam trên thế giới? Đặt đúng câu hỏi là đã giải quyết được một nửa vấn đề. Trong phần tiếp theo tôi đề xuất một số ý kiến về chính sách để giải quyết nửa còn lại.

Giải pháp nào cho an ninh mạng quốc gia?


Đối với Luật An Ninh Mạng nói riêng, chính sách và chiến lược an ninh mạng quốc gia nói chung, tôi đề xuất ba điểm.

Thứ nhất, thay vì ôm đồm rất nhiều nội dung, luật chỉ nên tập trung vào hệ thống thông tin trọng yếu, chủ thể trung tâm trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Hệ thống thông tin trọng yếu bao gồm hệ thống công, do Chính phủ quản lý và hệ thống tư, thuộc sự quản lý và là tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ chịu trách nhiệm và tùy nghi điều chỉnh hệ thống công, nhưng Chính phủ không được phép kiểm soát hệ thống tư, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, ngoại trừ có sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc lệnh của tòa án.

Để giúp đỡ doanh nghiệp, Chính phủ có thể chủ động chia sẻ thông tin tình báo, thông tin sự cố an toàn thông tin, hoặc các nhóm hacker nước ngoài mà Chính phủ đã theo dõi và nắm bắt được. Chính phủ cũng có thể khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ thông tin, nhưng bất kỳ sự chia sẻ nào cũng phải là tự nguyện và phải đảm bảo được sự riêng tư của khách hàng của các doanh nghiệp. Chính phủ không thể mặc nhiên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả thông tin mà Chính phủ muốn. Quá trình chia sẻ thông tin, nội dung chia sẻ giữa doanh nghiệp và Chính phủ phải được luật hóa cụ thể.

Chính phủ cũng có thể giúp doanh nghiệp bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thông tin. Các tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho hệ thống mạng máy tính của Nhà nước. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể dựa vào đó để tự xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống máy tính và sản phẩm của họ. Nhà nước chỉ mua các sản phẩm đạt chuẩn, tạo động lực để doanh nghiệp muốn bán sản phẩm cho Nhà nước xây dựng các sản phẩm đúng chuẩn.

Một việc có ích khác Chính phủ nên làm là dùng ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao và nâng cao nhận thức an toàn thông tin cũng như quyền riêng tư của người dân. Bộ Thông Tin Truyền Thông đã trình Chính phủ những đề án cụ thể về hai vấn đề này, trách nhiệm của Quốc hội lúc này là giám sát việc thực thi các đề án này. Để đánh giá đề án thực thi có hiệu quả, có đúng với mục tiêu đặt ra, Quốc hội nên tham khảo ý kiến đánh giá độc lập của các chuyên gia.

Thứ hai, chính sách an ninh mạng quốc gia cần phải bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Quyền riêng tư là một quyền hiến định và được Liên Hợp Quốc công nhận là quyền cơ bản của con người. Nhà nước không thể dựa vào lý do an ninh quốc gia để tùy tiện xâm phạm riêng tư của người dân.

Luật An Toàn Thông Tin Mạng có đề cập đến quyền riêng tư, nhưng tôi e rằng chưa đủ. Để bảo vệ riêng tư của người dân, tối thiểu Việt Nam cần có luật yêu cầu những tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dân phải thông báo đại chúng khi những nơi này bị xâm nhập và để lộ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cân nhắc tạo luật yêu cầu những do tổ chức thu thập và xử lý thông tin cá nhân nhạy cảm như tài chính và y tế phải có cơ chế đảm bảo sự riêng tư của khách hàng. Luật này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể, cách thức người dân có thể phản ánh khiếu nại và cách Nhà nước sẽ xử lý chế tài ra sao các doanh nghiệp hay tổ chức phạm luật.

Nhưng bảo vệ riêng tư không có nghĩa là phải lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam. Đa số người dân châu Âu sử dụng dịch vụ của các công ty Mỹ, nhưng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) không yêu cầu các công ty Mỹ phải đặt máy chủ ở châu Âu. Do đó cách quy định như điều 26  của dự thảo luật không có mấy ý nghĩa thực tế.

Dữ liệu là vấn đề pháp lý phức tạp, tôi cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu kỹ lưỡng để có một đạo luật riêng về vấn đề này thay vì gộp chung vào Luật An Ninh Mạng như hiện nay.

Cuối cùng, tôi cho rằng, để chống lại tấn công mạng, điều cốt lõi là con người, chứ không phải là công cụ pháp lý. Tuy nhiên, những chuyên gia hàng đầu Việt Nam mà tôi đã có dịp trao đổi đều không làm việc cho Chính phủ vì khu vực doanh nghiệp trả lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, cơ hội nghề nghiệp công bằng hơn. Nhưng với uy tín của Chính phủ, tôi tin rằng Chính phủ dễ dàng huy động được những chuyên gia tên tuổi tham gia vào các dự án giúp đỡ đất nước. Năm 2016 tôi có đề xuất Việt Nam nên thành lập một đội đặc nhiệm bao gồm những chuyên gia Việt Nam giỏi nhất mà Việt Nam hiện có (xem bài Có một Biển Đông trên không gian mạng). Nhóm chuyên gia này, tương tự như tổ tư vấn về chính sách kinh tế, làm việc theo cơ chế phi lợi nhuận, sẽ giúp Chính phủ về chính sách và công nghệ. Đội đặc nhiệm này có vai trò tương tự như “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an” mà dự thảo nêu ra, nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không có quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Kết thư


Từ vài năm nay tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về chiến lược an ninh mạng quốc gia cho Việt Nam. Những ý kiến của tôi ở đây đều là tổng kết của quá trình suy nghĩ lâu dài, không phải những suy nghĩ vội vàng.

Tôi thấy cần phải chỉnh sửa, thu hẹp phạm vi của dự thảo Luật An Ninh Mạng, chỉ nên tập trung vào mục tiêu đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống máy tính trọng yếu do nhà nước quản lý, loại bỏ những nội dung vi phạm quyền hiến định của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, cản trở tự do báo chí, tăng chi phí kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh, tạo cơ sở pháp lý cho một nhóm thiểu số nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tôi không phải là một luật sư, nhưng với vốn kiến thức hạn hẹp tôi thấy rằng làm luật để kiểm soát người dân, kiểm soát doanh nghiệp là dùng pháp luật để cai trị dân chúng, chứ không phải dùng pháp luật để vận hành và phát triển đất nước. Dự thảo Luật An Ninh Mạng, do đó, nếu được thông qua, sẽ đẩy Việt Nam đi thụt lùi trên con đường trở thành một quốc gia pháp quyền.

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đến Mỹ vì muốn tìm kiếm cơ hội chạy đua cùng thế giới, nhưng điều mà tôi tìm thấy lại quý giá hơn nhiều lần, đó là sự tự do. Nước Mỹ được như hôm nay là vì hiến pháp và văn hóa tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Ai cũng có quyền nói. Báo chí độc lập, là quyền lực thứ tư, giữ vai trò giám sát Nhà nước cho người dân. Internet không bị tường lửa ngăn chặn. Ở Trung Quốc thì ngược lại hoàn toàn. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc đang giàu lên rất nhanh, nhưng người Trung Quốc vẫn muốn thành người Mỹ, chứ người Mỹ không muốn thành người Trung Quốc. Dự thảo Luật An Ninh Mạng có khả năng biến Việt Nam thành một bản sao xấu xí của Trung Quốc.

Tôi hi vọng Quốc hội sẽ có một lựa chọn sáng suốt để người dân Việt Nam, chí ít là cá nhân tôi, không phải mong muốn trở thành công dân một quốc gia khác.

Alsace, 31/5/2018
Dương Ngọc Thái

Chuyện Đặc khu của 2 thằng hàng xóm



thằng thì nhu nhược đủ kiểu lại yếu một cái khu của hắn, vợ hắn thì 3 khu đẫy đà, mơn mởn...

Thằng hàng xóm bản tính láu cá, lại tham lam, suốt ngày chằm hăm ham 3 khu của vợ xóm giềng. Nên nó cứ rình mò ngắm nhìn đắm đuối 3 khu của vợ cha bạn vàng hàng xóm...

Không nghĩ cách gì hay để liếm lấy 3 khu của bà vợ cha này, nó bằng nghĩ cách thuê dài hạn 3 khu của vợ ông láng giềng.

Vậy là nó dùng tiền lân la với cha hàng xóm, ngày ngày nhậu nhẹt say xưa để ngõ lời muốn thuê 3 khu và chỉ 3 khu nho nhỏ trên cái thân thể đẩy đà ấy thôi.

Ông hàng xóm vừa nghèo vừa yếu cái khu của mình bèn cho thuê, vừa có tiền nhậu mà chẳng lo mất vợ...

Đến đây thì biết ccmn rồi, chỉ cần cày vài ngày trên 3 cái khu tí teo đầy cảm hứng đó thì xem như mất mẹ cái con vợ của nó rồi...

* Chuyện kể vui, không liên quan chi đến tổ dân phố, mọi người nghe không dẫn dắt vấn đề đi xa, thanks!

► Bà Phạm Chi Lan: Lùi Dự Luật Đặc khu là quyết định sáng suốt

Lùi dự luật đặc khu 2018 Nhiều Đại biểu QH, nhiều chuyên gia kinh tế, an ninh quốc phòng… đang “bàn lùi” dự luận đặc khu… Thủ tưởng thì bàn lùi thời gian cho thuê đặc khu từ 99 năm xuống… còn mấy năm thì chưa biết. Trong khi đó nhiều đại đại biểu QH thì đề nghị lùi dự luật đặc khu về các kỳ họp QH sau… Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH trả lời báo Pháp Luật bày tỏ: “Theo tôi, dự luật này chưa thể thông qua mà cần dời lại để bàn cho kỹ, cần thiết thì phải xin ý kiến nhân dân!”. Hội cựu chiến binh cũng đề nghị chưa thông qua luật đặc khu… Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan cũng có ý kiến nên lùi dự luận này… Theo bà Lan, việc lùi Dự Luật Đặc khu là một tiền lệ tốt để khi người dân có ý kiến, cơ quan Chính phủ, Quốc hội sẽ biết lắng nghe và dừng đúng lúc các "quyết định chưa chín".
 

8.6.18

TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG “TIỂU QUỐC” MANG TÊN “ĐẶC KHU”



(Nguồn: Mạnh Kim và Trần Đức Anh Sơn)


Dự luật thành lập ba đặc khu kinh tế (Vân Đồn-Quảng Ninh, Bắc Vân Phong-Khánh Hòa, Phú Quốc-Kiên Giang) đang gây chú ý không chỉ bởi yếu tố thời hạn cho thuê đất có thể lên đến 99 năm mà là sự lo lắng về một cuộc đổ bộ của Trung Quốc, cát cứ ba vị trí ảnh hưởng an ninh quốc gia. Mở rộng ảnh hưởng và bành trướng chủ nghĩa thực dân kiểu mới bằng lá bài “đặc khu kinh tế” là chủ trương Bắc Kinh. Thử xem Trung Quốc đang làm gì với những “đặc khu” ở các nước trong khu vực...

Năm 2007, Chính phủ Lào cấp phép cho thuê đất 99 năm cho tập đoàn Kings Romans có trụ sở tại Hong Kong, lập “Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng” tại tỉnh Bokeo. Lào đồng ý cho Kings Romans thuê 10.000 hectares đất trong đó 3.000 hectaresq được dành cho “đặc khu”, với nhiều chính sách ưu đãi chẳng hạn miễn thuế. Kings Romans dự kiến đầu tư tổng cộng 2,25 tỷ USD vào trước năm 2020, trong đó có một sân golf, khu massage, karaoke... Nói chung là ăn chơi chứ không phải hạ tầng hi-tech.

Trong video clip 15 phút quảng bá phát trên nhiều website Trung Quốc năm 2013, Kings Romans tự hào việc xây dựng một khu du lịch và thương mại cùng với khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, câu lạc bộ du thuyền... Hầu hết 4.500 nhân viên-công nhân tại đặc khu là người Trung Quốc. Người điều hành Kings Romans là Zhao Wei 67 tuổi, mà theo Los Angeles Times, vốn là một y sĩ làng quê xuất thân từ Hắc Long Giang. Nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Zhao Wei cho biết ông ta toàn quyền kiểm soát Đặc khu Tam Giác Vàng; và đặc khu là “một thế giới riêng của người Trung Quốc”.

“Thế giới riêng” đó chiếm 102 km2, với 7 km dọc bờ Mekong nhìn sang Myanmar và Thái Lan. Hơn 10 năm sau khi “cam kết mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh Bokeo nói riêng và Lào nói chung”, Kings Romans đã biến Đặc khu Tam Giác Vàng thành một ổ tội phạm khổng lồ. Tháng 1/2018, Bộ tài chính Hoa Kỳ đã đưa công ty này vào danh sách các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bị Mỹ cấm vận, bởi liên quan “ma túy, buôn người, buôn lậu động vật hoang dã và mại dâm trẻ em” (Reuters 31/1/2018).

Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) và Bộ Tài chính Mỹ thậm chí cấm vận một người mang quốc tịch Úc (Abbas Eberahim) làm việc cho Kings Romans, vì tội “chịu trách nhiệm an ninh cho Kings Romans Casino cũng như hối lộ giúp Zhao Wei”.

Việc bị Mỹ cấm vận dĩ nhiên không ảnh hưởng hoạt động Kings Romans tại Lào. Vientiane không vì thế mà đóng cửa Kings Romans. Hang ổ ma túy đĩ điếm này còn mặc sức tung hoành với cái hợp đồng 99 năm. Trong khi đó, Vientiane vẫn tiếp tục mở cửa cho Trung Quốc. Tháng 8/2017, Lào bật đèn xanh cho Guangdong Yellow River (“Quảng Đông Hoàng Hà thực nghiệp tập đoàn”) lập Đặc khu Khonphapheng tại tỉnh Champassak. Dự án vẫn tập trung vào du lịch hơn là xây dựng hạ tầng công nghiệp kỹ thuật cao. Sẽ có một ổ cờ bạc mại dâm quốc tế nữa, được ghép với cái tên “đặc khu”?

Ngày 11/1/2018, tại Phnom Penh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký 19 thỏa ước trị giá hàng tỷ đôla để phát triển hạ tầng giao thông, nông nghiệp và y tế cho Campuchia. Từ 2011-2015, các công ty Trung Quốc đã cung cấp gần 5 tỷ USD vốn vay và đầu tư vào nước này (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ngày 14/1/2018).

Tiền Trung Quốc cũng đổ vào Đặc khu kinh tế Sihanoukville. Kể từ thời điểm thành lập 2008, Đặc khu Sihanoukville đã trở thành một “tiểu quốc Trung Quốc” trong lòng Campuchia. Với 11,12 km2 (cần biết, diện tích quận 1 Sài Gòn hiện tại là 7,73 km2), Đặc khu Sihanoukville có đầy đủ hạ tầng của một thành phố, từ hệ thống cống thoát nước, khu nhà ở, nhà hàng, giải trí, đến chợ búa cùng các dịch vụ tiện ích khác... Các bảng hiệu đều ghi bằng chữ Trung Quốc. Khoảng 100 công ty Trung Quốc với chừng 16.000 nhân viên-công nhân Trung Quốc đang sống trong Đặc khu. Một bài báo Tân Hoa Xã (18/11/2016) cho biết Đặc khu sẽ mở rộng với 300 công ty Trung Quốc vào trước năm 2020. Campuchia hẳn nhiên cũng “có lợi” trong sự phát triển Đặc khu Sihanoukville nhưng chắc chắn họ chỉ liếm láp mẩu bánh thừa rơi rớt từ bàn tiệc của các công ty Trung Quốc - những “ông chủ” đích thực của nền kinh tế Campuchia mà dân Campuchia trở thành người làm công trên chính mảnh đất mình.

Tính đến tháng 4/2018, Trung Quốc đang xây một công viên công nghiệp 303 hecta tại “Đặc khu kinh tế Bangladesh”. Phía Bangladesh góp 30%; còn lại là China Harbour Engineering Company (“Trung Quốc cảng loan công trình công ty”). “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có được một cơ sở lớn như thế tại Bangladesh, nơi giới đầu tư Trung Quốc có thể xây dựng các khu công nghiệp” – viên chức Li Guangjun thuộc Sứ quán Trung Quốc tại Dhaka nói với Reuters.

Tại Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Pakistan..., Trung Quốc đang đổ hàng núi tiền vào việc xây dựng hải cảng, khu công nghiệp và đặc khu kinh tế. Có nước lớn nào đầu tư mạnh vào mô hình đặc khu tại nhiều quốc gia như Trung Quốc? Gần như là không. Mô hình đặc khu đã lỗi thời. Tại sao Trung Quốc thích xây dựng đặc khu? Kế hoạch này, trước hết, nằm trong bản thiết kế vừa mang lại lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị: “Một vành đai-Một con đường”. Theo tạp chí Tài tân

Theo tạp chí Tài tân (12/5/2017), tính đến tháng 4/2017, Trung Quốc có tổng cộng 77 đặc khu đang được xây tại 36 quốc gia, với 56 đặc khu nằm tại 20 quốc gia dọc theo tuyến “Một vành đai”. Hơn 1.000 công ty Trung Quốc đã đầu tư 18,55 tỷ USD tại các đặc khu dọc tuyến “Một vành đai”.

Không như mô hình công viên công nghiệp mà Mỹ, Nhật hoặc Hàn Quốc xây dựng, nơi nguồn nhân lực chủ yếu là người bản địa, “đặc khu” Trung Quốc, tại bất kỳ quốc gia nào, chỉ ưu tiên cho người Trung Quốc. Đặc khu là một thành phố Trung Quốc được dựng ngay trong lòng một quốc gia khác, khai thác chính nền kinh tế quốc gia đó và mang lợi nhuận về bản quốc.

Được hưởng những chính sách ưu đãi, một đặc khu lớn (cỡ Kings Romans) - dù chỉ nhả ra vài mẩu bánh vụn hoặc khúc xương thừa - cũng trở thành một thành tố quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia bản địa, và do vậy, nó có thể bẻ gãy một phần hoặc phá hủy cấu trúc tài chính-kinh tế của quốc gia sở tại nếu nó muốn. Thời gian thuê đất càng dài thì sự gắn kết của đặc khu vào nền kinh tế quốc gia sở tại càng chặt và khả năng khống chế hoặc thao túng của “tiểu quốc Trung Quốc” tại quốc gia sở tại càng cao. Nhìn lại, có thể thấy Trung Quốc chỉ nhắm vào các nước nghèo để lập đặc khu. Sức mạnh kim tiền của Trung Quốc dù ghê gớm thế nào cũng không thể lập một đặc khu như Kings Romans hay Sihanoukville tại Mỹ hoặc thậm chí Hàn Quốc, nơi Trung Quốc không thể mua chuộc đám quan chức tham lam sẵn sàng vỗ béo mình bằng cách “kinh doanh” tương lai quốc gia khi bán đất đai cho nước ngoài với giá rẻ mạt; nơi Trung Quốc không thể hối lộ bọn quan quyền vô liêm sỉ sẵn sàng đưa quốc gia đến nguy cơ diệt vong chủ quyền.

Tháng 2/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời 1.000 nông dân vào Điện Elysée với lời hứa, Chính phủ Pháp sẽ chặn đứng các thương vụ mua đất từ người nước ngoài sau khi dư luận Pháp phản ứng trước vụ một nhà đầu tư Trung Quốc mua 2.700 hecta đất tại vùng Allier và Indre.


5.6.18

Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Võ Thị Kim Ngân về đặc khu kinh tế


Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế

QNP – Cổng Thông tin điện tử trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế.  
Thưa các đồng chí,
Thưa Qu‎ý vị đại biểu,  
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam, Tôi nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu về tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Đặc khu kinh tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự có mặt của quý vị đại biểu, các vị khách quý tại Hội thảo ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong việc xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế.
Thưa các đồng chí,
Thưa Qu‎ý vị đại biểu,
Tôi hoan nghênh, đánh giá cao sáng kiến và sự chuẩn bị của tỉnh Quảng Ninh và trân trọng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc, Đại học Thâm Quyến với tỉnh Quảng Ninh trong việc tổ chức Hội thảo lần này. Sự hợp tác này góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Đảng và Nhà nước hai nước nói chung và giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc nói riêng. Đây sẽ là diễn đàn quan trọng để các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế quý giá về xây dựng đặc khu kinh tế trên thế giới để có thể áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam.
Thưa các đồng chí,
Thưa Qu‎ý vị đại biểu,
Vấn đề xây dựng đặc khu kinh tế đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam coi trọng và đưa vào các văn kiện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội từ hơn 20 năm trước, thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII năm 1994. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới chỉ thành lập các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước những cơ hội và khó khăn thách thức thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững; trong đó đã chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế tại ba địa phương có tiềm năng là Vân Đồn - Quảng Ninh; Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang nhằm tạo động lực phát triển cho từng vùng và cả nước.
Thưa các đồng chí,
Thưa Qu‎ý vị đại biểu,
Mô hình Đặc khu kinh tế đã được xây dựng và phát triển thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới từ hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đối với Việt Nam đây là một mô hình mới; trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Do đó, những bài học kinh nghiệm, những ý kiến tư vấn của các đại biểu thực sự rất hữu ích đối với chúng tôi. Đó là các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn địa điểm thuận lợi; định hướng phát triển ngành nghề phù hợp; cách thức vận hành, thể chế hành chính tinh gọn hiệu quả, sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu ra sao; cơ chế chính sách đủ sức cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất, xây dựng luật pháp như thế nào để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm...
Với tinh thần đó, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh/thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, các tri thức trẻ, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo lần này sẽ dành thời gian và tâm huyết của mình để chia sẻ, đóng góp những vấn đề lý luận, thực tiễn trên thế giới, cũng như trong nước để tỉnh Quảng Ninh và các địa phương của Việt Nam có tiềm năng và điều kiện thuận lợi có thể xây dựng đặc khu kinh tế; đồng thời góp phần phục vụ cho quá trình nghiên cứu xây dựng và ban hành luật khung về đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Một lần nữa, Tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, các vị khách quý lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn.

► Ngọn lửa Măng Đen, du lịch Măng Đen tỉnh KonTum

4.6.18

MÔ HÌNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT

Bài biết của TS. Vũ Thành Tự Anh

Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đặc khu nói riêng và cải cách kinh tế của Việt Nam nói chung là nếu không có những chính sách đột phá thì sẽ lại “lỗi cũ ta về”, song chính sách đột phá mà triển khai trong môi trường kém minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, năng lực kém và tham nhũng như hiện nay thì lại hết sức rủi ro.

***

Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) đang gây nhiều tranh cãi nhưng chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế “ván đã đóng thuyền”. Tuy nhiên, nếu được triển khai thì khả năng thành công của mô hình đặc khu theo đạo luật này sẽ rất thấp vì:

Thứ nhất, chính sách nằm sau đạo luật này thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Nếu mục tiêu là “tạo cực tăng trưởng” thì với quy mô và tiềm năng của Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn thì cả ba địa phương này đều không thể tạo ra đột biến lớn đến mức trở thành một cực tăng trưởng của đất nước trong 10-20 năm tới, trừ phi phần còn lại của đất nước dậm chân tại chỗ. Mà nếu phần còn lại của quốc gia quả thực không phát triển thì cũng chẳng có cơ sở để các đặc khu thành công.

Nếu mục tiêu là tạo “thể chế vượt trội” để “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy” thì bài học từ mô hình khu kinh tế mở (bắt đầu với Chu Lai) từ 2003 cho thấy nếu không có sự thay đổi đồng bộ ở phạm vi quốc gia thì những sáng kiến của địa phương chắn sẽ sẽ bị bóp nghẹt bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế và quy định hiện hành vốn hoàn toàn không tương thích với “thể chế vượt trội”.

Hơn nữa, khả năng nhân rộng các “thử nghiệm đổi mới” này sẽ rất thấp, đơn giản là vì khoảng cách giữa những ưu đãi và thể chế của 3 đặc khu vô cùng “vượt trội” với phần còn lại của đất nước. Nếu như sau 15 năm, ngay cả những ưu đãi và thử nghiệm thể chế khiêm tốn hơn nhiều của các khu kinh tế mở vẫn chưa thành hình và tới được phần còn lại của đất nước, thì hy vọng về một sự lan tỏa thể chế và chính sách từ ba đặc khu sẽ chỉ là những ước vọng xa vời.

Thứ hai, trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh tryền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi. Những ưu đãi quá mức này một mặt tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa.

Thứ ba, với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

Nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phụ thuộc sâu hơn vào khu vực FDI. Trong khi đó, đang tồn tại một sự đứt gẫy, thậm chí là một vực sâu khoảng cách giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Với thiết kế hiện nay, ba đặc khu này tương đối biệt lập với phần còn lại của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, khi chúng đi vào hoạt động thì sự phụ thuộc vào FDI cũng như khoảng cách giữa FDI và kinh tế trong nước sẽ còn trở nên sâu sắc hơn. Hệ quả là ngoại lực không những không giúp kích thích mà sẽ còn tiếp tục lấn át nội lực. Điều này đi ngược với kinh nghiệm quốc tế, trong đó chìa khóa thành công nằm ở hệ thống thể chế và chính sách giúp phát huy vai trò của các doanh nghiệp địa phương năng động, đóng vai trò làm cầu nối và chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu mới chỉ là một bước khởi đầu, việc triển khai mô hình đặc khu trên thực tế chắc chắn sẽ còn lắm gian truân. Bên cạnh nguy cơ bị trói chân trói tay bởi một ma trận thể chế và quy định hiện hành, nguy cơ nhìn thấy trước là chính quyền đặc khu bị thiếu nguồn lực, năng lực, và thẩm quyền (cả thẩm quyền theo luật định và thẩm quyền trên thực tế) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Về những phương diện này, ngay cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh loay hoay mãi mà vẫn chưa thoát ra được thì liệu ba đặc khu có khắc phục được hay không hoàn toàn là một câu hỏi ngỏ.

Thứ năm, với vị trí xung yếu và nhạy cảm của mình, liệu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn có phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay hay không? Lấy đơn cử Vân Đồn chẳng hạn. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đặc khu Vân Đồn là thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Thử hỏi ở sát biên giới với Trung Quốc thì những công ty công nghệ cao của các cường quốc khoa học và công nghệ ở Châu Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) và phương tây có sẵn sàng và yên tâm đầu tư hay không?

***

Sự ra đời của đặc khu kinh tế không thể tách rời bối cảnh kinh tế - chính trị của quốc gia. Từ góc độ lịch sử, mô hình đặc khu chỉ thích hợp trong điều kiện cả nước đang đóng kín bưng và cần một “đột phá khẩu” ra thị trường thế giới. Hơn nữa, sự thành công của các đặc khu phụ thuộc vào mức độ tích hợp của chúng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế cũng như mức độ kết nối của chúng với phần còn lại của nền quản trị và kinh tế quốc gia. Với độ mở thuộc nhóm cao nhất thế giới như hiện nay, mô hình “đột phát khẩu” này không thực sự phù hợp cho Việt Nam. Chìa khóa của cải cách thể chế thành công, vì vậy không phụ thuộc vào ba đặc khu mà nằm ở nỗ lực cải cách toàn diện nền tảng thể chế và chính sách quốc gia.

Sau “thu giá” là “đặc khu”...



 Từ khoá rất hót trên mạng XH

Số phận của “thu giá” đc thủ tướng quyết định là tìm cụm từ khác thay thế cho thu giá... thu gì thì nghiên cứu nhưng không thu giá... rồi phải bỏ mớ tiền để sửa sai cái tối kiến thu giá

Đến nay, thì đặc khu, nó cũng sẽ được quyết định trong 10 ngày tới bởi cái enter của gần 400 tinh hoa đại diện cho 90 triệu dân. Đây cũng là dấu ấn nhiệm kỳ của các vị đại biểu, và cũng là những ưu tú khai sinh ra 3 đặc khu ở ba miền khác nhau hay không!?

Củi lửa lò giờ nó không còn rần rần nữa, mà đặc khu tạo chú ý nhiều hơn bởi sinh ra các cái đặc khu như vậy là cho TQ thuê hay nước khác... với thời hạn tới 99 năm thì ảnh hưởng về an ninh quốc gia thế nào?

Đại biểu quốc hội đại diện ý nguyện của toàn dân hãy xem ý nguyện của đại số nhân dân rồi quyết định!

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...