5.6.19

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”


TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

(Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nên bài viết này có thể gợi lên một vài chi tiết cần được trao đổi thêm. Mặt khác, vì đây không phải là bài sưu khảo nên có nhiều chi tiết chỉ được trình bày sơ lược, trong khuôn khổ một status FB, không đi sâu hơn vào nhân thân của nhân vật, mong người đọc không coi những chi tiết không có trong bài là sự thiếu sót)

Dưới triều Nguyễn, thời Tự Đức (1847-1883), hai ông chú ruột của nhà vua được đề cao về mặt văn chương thi phú là Tùng Thiện vương Miên Thẩm và Tuy Lý vương Miên Trinh, đến nổi tương truyền là nhà vua đã viết hai câu thơ tán tụng: “Văn như Siêu - Quát vô tiền Hán – Thi đáo Tùng -Tuy thất thịnh Đường”. Cả hai nhân vật Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương đều là con vua Minh Mạng, đều là những người có tài năng và nhân cách, song cuộc đời của họ đã trải qua những biến động đáng buồn.

Tùng Thiện vương có tên là Nguyễn Phúc Miên Thẩm, tự Trọng Uyên, hiệu Thương Sơn, sinh năm 1819, con trai thứ 10 vua Minh Mạng. Ngày ông sinh ra, có những dấu hiệu của quý tướng trên cơ thể (một bên mày có lông dài trắng, lưng có nốt ruồi son…), vua Gia Long được tin, mừng lắm, ban cho 10 lạng vàng. Năm 7 tuổi ông đã rất chăm học, đọc nhiều sách thánh hiền, hiểu biết nhiều lẽ ở đời, năm 20 tuổi, được phong làm Tùng Quốc công. 

Năm 1846, một cuộc kỳ ngộ đã diễn ra tại An Dưỡng am, trên đồi Dương Xuân, cách kinh thành Huế 5 km. Chủ nhân của chiếc thảo am là thiền sư Nhất Định, vì chữ hiếu với mẹ già, đã từ bỏ quyền cao chức trọng ở những ngôi chùa lớn quanh kinh thành, xin với triều đình lên đồi Dương Xuân cất am, tự trồng trọt nuôi mẹ. Khách là Tùng Quốc công, chàng hoàng thân 27 tuổi, sống đời đạo hạnh, chỉ thích ngao du đây đó, vui với cảnh nước biếc non xanh. Cuộc gặp giữa hai tâm hồn đồng điệu giữa khung cảnh núi rừng hoang dã đã để lại một ấn tượng mạnh trong lòng chàng trai quen sống nơi gác tía lầu son.
Trở về kinh thành, Thương Sơn tiên sinh lấy bút viết những dòng cảm xúc có tên là “Chơi An Dưỡng am”:

”… Gần đây, nghe Thượng nhân dựng thảo am ở trong núi Nam, liền hỏi thăm. Tăng nhân chỉ con đường cong về phía tây, nương theo khe nước, từ các gò cao, vượt qua các lũng cỏ tranh đi quanh bốn, năm dặm mới đến được thảo am.

Thảo am rất nhỏ, một nửa thờ tượng Phật A Di Đà, một nửa là kê giường. Trước am có khe suối, tuy nhỏ nhưng trong, có thể hiện rõ những cảnh uốn khúc như có sắp đặt để làm vòng đai hỗ trợ cho thảo am.

Đến khi mặt trời sắp lặn, bốn phía núi mây phủ, mưa lạnh theo gió đến, từng hạt nước nhỏ thành dòng suối chảy róc rách, cùng ngồi trên giường thiền, nấu chè núi, nghe suối reo, bỗng dưng trong lòng khởi ra ý tưởng, tôi liền hỏi Thượng nhân: “Ở trong chỗ này, sở đắc là cái gì?”. Thượng nhân chỉ mỉm cười mà không đáp. Tôi thương cảm Thượng nhân tuổi già lại bệnh, có trao quà tặng mà Thượng nhân không nhận, tự nói có hai thị giả, trồng rau đậu, sớm tối đủ dùng, không mong cầu nhiều.” Ôi, Thượng nhân, bậc quá kỳ lạ, quá đặc biệt làm sao !
Nên liền rửa bút ghi lại bài này. Năm ấy là năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) “
(trích Hàm Long Sơn Chí – bản dịch Thích Thái Hòa - Đặc san kỷ niệm 150 năm ngày Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu viên tịch – Huế 1997- trang 35-36).

Có lẽ cuộc sống đạm bạc, hiếu thảo của một con người đáng kính như Nhất Định thiền sư đã làm lay động trái tim của một con người nhân hậu như Tùng Quốc công, năm 1849, ông xin lập một Tiêu viên riêng để đón mẹ già (bà Thục tần) về phụng dưỡng. Sau vườn, ông cho đắp một ngôi nhà nhỏ, xếp đá, dẫn nước, chim đến làm tổ vui vầy, đặt tên là Ký Thưởng viên. Song chữ hiếu chưa đền đáp được bao lâu, năm 1851, bà Thục tần mất, ông làm nhà ở mộ để chịu tang.

Sau ngày tang khó mãn rồi, Miên Thẩm được vua Tự Đức phong làm Tùng Thiện công (tước Nhất tự công lớn hơn Quận công và Quốc công). Song những năm 1850 – 1860 đánh dấu nhiều trăn trở trong cuộc sống của vị vương công. Trước tiên là mối bất hòa trầm trọng giữa hai người cháu ruột của ông, vốn là anh em cùng cha với nhau, người anh là An Phong công Hồng Bảo, người em là Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức. Sự bất hòa và căng thẳng đến mức có lúc Hồng Bảo định cầu viện ngoại bang nhằm lật đổ người em của mình, để rồi cuối cùng đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát (1854).

Một trong những người bạn tâm đầu của Tùng Thiện vương là Cao Bá Quát, khi nhà thơ họ Cao được cử giữ chức Hành tẩu bộ Lễ năm 1841. Tuy nhiên, vào tháng 9 âm lịch năm đó, khi làm sơ khảo trường thi Hương, chỉ vì thương người học trò có tài lỡ phạm trường qui, họ Cao lấy muội đèn chữa mấy chữ, việc bị phát giác, ông bị giam giữ mấy năm liền. Cũng chính Cao Bá Quát là người đã đề tựa cho tập Thương Sơn Thi Tập của Tùng Thiện vương. Năm 1854, Cao Bá Quát tôn một trong những người thuộc dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Cự làm minh chủ và khởi binh chống lại triều đình, nhưng việc không thành, năm 1855, ông qua đời và việc ông chết như thế nào được nhiều nguồn tư liệu ghi chép khác nhau.
Những năm 1860, nhiều biến động dồn dập xảy ra: Pháp chiếm 4 tỉnh Nam Kỳ và triều đình Huế phải ký hòa ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1864, Tùng Thiện vương gả con gái đầu lòng là Thể Cúc cho Đoàn Hữu Trưng (hay Đoàn Trưng) và cuộc hôn nhân này đã gián tiếp đưa cuộc đời vị vương công vào những bước ngoặt mới. Tháng 9 âm lịch (AL) năm này, vua Tự Đức quyết định chọn Vạn Niên cát địa (đất để làm lăng mộ vua chúa) ở làng Dương Xuân thượng, huyện Hương Thủy để làm một khu vực vừa là cung điện (Khiêm cung), vừa là lăng tẩm (Khiêm lăng).

Tháng 8 AL năm 1867, Vạn niên cơ hay Khiêm cung đã hoàn tất việc xây dựng. Không có tài liệu nào cho biết trong những năm 1864-1867, công trình này đã ngốn bao nhiêu công quỹ và làm hao tốn bao nhiêu sức người. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, vua Tự Đức rước Từ Dụ Thái Hậu cùng ra xem nơi vui chơi, đồng thời là nơi an nghỉ cuối cùng về sau của mình. Các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều được ban yến và ban cho vật hạng theo thứ bậc. Nhân dịp này nhà vua nổi tiếng hay chữ có làm một bài ký dài (Khiêm cung ký) kể lể những sự việc diễn ra từ thời thơ ấu cho đến khi nắm quyền trị nước. Nhờ đó người ta biết rằng khi còn bé, nhà vua “gầy còm ốm yếu kéo dài nhiều khi tưởng nguy, mẹ thường bồng bế sớm tối rất là khó nhọc...”

Hóa ra nhà vua phải chuẩn bị lăng mộ sớm sủa ở cái tuổi chưa đến 40 là vì sức khỏe suy yếu, sợ rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Và có lẽ để bớt phần mặc cảm, vua Tự Đức đặt tên cho kiến trúc lăng mộ của mình là Khiêm cung (hay Khiêm lăng sau khi ông thăng hà) với tất cả những phần phụ thuộc đều kết thúc bằng chữ Khiêm. Có thể đếm được trong bài ký của nhà vua ít nhất 45 tiểu kiến trúc có chữ khiêm như nhà Minh khiêm làm nơi tấu nhạc nhà Ôn khiêm để đồ vua dùng; Tòng khiêm, Dụng khiêm, Trì khiêm là nơi ở của cung tần theo hầu, gác Ích khiêm để ngắm trông phong cảnh, ao Tiểu khiêm như hình trăng mới mọc, điện Hòa khiêm làm chỗ đèn hương nương tựa sau này...

Dù đức khiêm của nhà vua là dường ấy, nhưng quy mô đồ sộ của kiến trúc và nhất là sự khổ nhọc của quân dân khi bị trưng dụng làm công tác xây lăng tại làng Dương Xuân Thượng đã làm phát sinh trong dân gian những câu thơ như một lời tán thán nặng nề:

Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính hào đào máu dân.
Hoặc
Tới thăm công sở vạn niên
Lùa quân treo ngược đầy miền núi non
Đôi vai gánh đá xương mòn.
Mông trôn roi đánh chẳng còn mảng da.

4 câu sau nằm trong một bài thơ dài có tên là Trung nghĩa ca, tác giả là Đoàn Trưng, con rể Tùng Thiện vương. Bài thơ như những lời hịch kể tội nhà vua, không khỏi khiến cho người xem nghĩ đến một sự hô hào lật đổ ngai vàng vua Tự Đức. Những bất mãn của dân chúng đối với việc xây dựng Khiêm cung đã được Trưng xem như một yếu tố quan trọng trong hành động của mình. Mặt khác, tự thấy mình không đủ uy tín cá nhân để lôi kéo quần chúng một cách có hiệu quả, Đoàn Trưng cùng với em là Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực đã tìm đến một nhân vật mà nỗi bất hạnh của gia đình sau hơn mười năm vẫn chưa xóa nhòa trong lòng người dân Huế. Đó là Ưng Đạo, cháu ruột của vua Tự Đức, con trai An Phong công Hồng Bảo, sau cái chết của cha phải đổi tên là Đinh Đạo. Đoàn Trưng lập Đông sơn thi tửu hội, một hội tư, ở đó người ta cùng nhau bàn luận thi phú nhưng kỳ thực nhằm che giấu những cuộc họp để mưu loạn. Địa điểm họp là chùa Pháp Vân của nhà sư Nguyễn Văn Quý, Đoàn Hữu Ái cạo trọc đầu giả làm nhà sư để liên lạc với người trong bọn. Thành công bước đầu của nhóm Đoàn Trưng là móc nối được với hữu quân Tôn Thất Cúc, một trong những người có trách nhiệm canh giữ đại nội. Sự nội ứng của viên đại thần này là một đảm bảo quan trọng cho sự thành công của kế hoạch. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, họ tổ chức làm chay trong ba ngày để tập trung người mà không bị nghi ngờ. Nửa đêm mùng 8 tháng 9 AL năm 1866, nhóm Đoàn Trưng từ chùa Pháp Vân kéo nhau đến Khiêm cung. Đoàn Trưng nằm trên võng có người khiêng tự xưng là Tham tri bộ Công đi thám sát việc xây lăng. Đến nơi, Trưng tuyên bố hủy bỏ việc xây lăng, yêu cầu dân quân tại đây quay về kinh thành tấn tôn vua mới. Gặp lúc đang khó nhọc dưới sự áp chế của hai viên quan triều là đốc biện Nguyễn Văn Chất và đồng biện Nguyễn Văn Xa, phần khác lại có sự đe dọa của nhóm Đoàn Trưng nên dân công nô nức kéo nhau rời bỏ Khiêm cung, không quên mang theo chày đâm vôi đang sử dụng trong việc xây dựng, như một thứ vũ khí tình cờ. Về sau, cái tên “Giặc chày vôi” phát xuất từ chi tiết này. 

Tuy nhiên, cuộc đột kích vào cung điện đã gặp phải sự chống trả mạnh mẽ, cuối cùng dẫn đến thất bại. Trong vụ này, sách sử không cho biết rõ vai trò của Đinh Đạo, con trai Hồng Bảo, quan trọng đến mức nào, nhưng đa số nhà nghiên cứu sử nghĩ rằng ông ta chỉ xuôi theo người khác khi thấy có lợi cho mình. Trong đêm mồng 8 tháng 9 đó, kiệu vàng đưa Đinh Đạo vào cung để lên ngôi hoàng đế dừng nửa chừng vì cuộc nổi loạn bị chặn đứng. Vua Tự Đức ban chỉ dụ buộc Đinh Đạo, mẹ, vợ và các con tổng cộng 8 người phải thắt cổ chết và cấp cho quan quách, vải lụa để chôn. Trong quyết định khá cứng rắn của mình, nhà vua còn ban phát một chút khoan hồng, miễn cho chém bêu đầu, vì thời đó, hình phạt này (chết không toàn thây) được xem như nặng hơn hình phạt thắt cổ. Những thủ phạm chính gồm Đoàn Trưng, Đoàn Tư Trực và nhiều người khác bị xử lăng trì, bêu đầu cho công chúng xem để làm gương.
Nhưng cái chết của Trưng chưa phải là dấu chấm hết của câu chuyện ân oán chốn cung đình. Nó liên quan đến số phận Tùng Thiện vương Miên Thẩm, cha vợ của Trưng, và là chú ruột vua Tự Đức. Khi biến cố vừa kết thúc, Tùng Thiện vương bèn trói con gái là Thể Cúc và cháu ngoại (tức vợ và con Đoàn Trưng) đem nộp cho triều đình, còn mình thì dâng sớ xin nhận tội. Vua Tự Đức vốn sẵn lòng nể trọng ông chú hay chữ, cũng cảm thấy chạnh lòng trước hoàn cảnh của Tùng Thiện vương, đã bảo: “Tòng Thiện công là người có học, được yêu thương đã lâu, há có lòng nào, nhưng kén rể không kỹ, có nhục đến thánh giá tội ngờ chỉ nhẹ, phạt bổng 8 năm”. (Đại Nam thực lục – Tập 7 – NXB Giáo dục – Hà Nội - trang 1010). Riêng về vợ con Đoàn Trưng cũng không thấy nhà vua bắt tội gì. Chính sự kiện này đã khiến người đời sau thắc mắc: vợ con chánh phạm được tha tội, còn mẹ, vợ, con tòng phạm thì bị thảm sát. Có lẽ lý do chính trong quyết định của vua Tự Đức là nỗi ám ảnh không nguôi về những xung đột ngấm ngầm trong gia đình sau khi ông lên kế vị vua Thiệu Trị. Sự hiện diện và những hành tung của Đinh Đạo, giọt máu còn lại của người anh cả không được kế vị vua cha đã làm nhà vua luôn bất an nên việc Đạo tham gia vào cuộc phản loạn là dịp ông giải thoát mình khỏi nỗi bất an đó. Còn gia đình Tùng Thiện vương dính dấp đến việc làm của Trưng nhưng vua Tự Đức đã gần như xí xóa mọi việc. Tuy nhiên biến cố đã để lại một ấn tượng nặng nề trong cuộc sống cuối đời của Tùng Thiện vương và cái chết sớm của ông vào năm 1870 không hẳn là không có yếu tố trên.
Lê Nguyễn
5.6.2019

Sau phát biểu của ông Lý Hiển Long


NHỮNG ĐIỀU KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA:
1. Tổ chức Asean ban đầu được lập ra là để.....chống lại Việt Nam. Trong văn bản thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Văn bản được ký kết tại Bangkok 8 tháng 8 năm 1967 bởi năm thành viên sáng lập Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia và Thái Lan như một biểu hiện của sự đoàn kết chống lại chủ nghĩa cộng sản đang phát triển ở Việt Nam và sự nổi lên của chủ nghĩa cộng sản trong lòng các quốc gia này.

2. Tình hình các quốc gia này ngày càng khiếp sợ hơn khi quân tình nguyện Việt Nam khi đánh đuổi Khơ Me đỏ có tình cờ lái nhầm tank qua gần Bangkok khiến quân đội Thái Lan khiếp sợ phải bỏ chạy về thủ đô định tử thủ, tuy nhiên sau khi xem lại bản đồ thì chúng ta có cáo lỗi với nước bạn vì đi lạc đường.

3. Chúng ta biết rõ bản chất của khối Asean nhưng vẫn gia nhập vì không muốn bị cô lập. Ngày nay Việt Nam lại trở thành một thành viên chủ chốt quan trọng của khối và đặt nền móng cho những nguyên tắc cơ bản của ASEAN là hợp tác, thân thiện và không can thiệp vào tình hình nội bộ của nhau.

4. Singapores đã làm giàu bằng máu của nhân dân Việt Nam khi là nơi trung chuyển, cung ứng nhiên liệu, hậu cần cho quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam.

5. Khi Khơme đỏ tàn sát nhân dân ta thì Liên hợp quốc làm ngơ. Nhưng khi chúng ta phản công tự vệ chính đáng một cuộc bỏ phiếu cấm vận nước ta đã được tổ chức. Tổng cộng có 124 phiếu thuận, 17 phiếu chống, Việt Nam tiếp tục lâm vào tình cảnh bị cấm vận, thiếu thốn. Riêng khu vực Đông Nam Á chỉ có Lào là bỏ phiếu chống, các quốc gia còn lại gồm Sing, Thái, Mã Lai, Philippines, Indonesia...đều bỏ phiếu thuận để cấm vận Việt Nam. Không những vậy, Thái Lan còn giúp đỡ và là căn cứ cho tàn quân Khơme đỏ để đánh Việt Nam.

P/s: Theo các bạn có đội quân xâm lược nào mà được dân của quốc gia xâm lược yêu mến và gọi là quân đội nhà Phật không?
Ảnh: Những hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia. Xem ảnh các bạn có thể hiểu!

Tượng đá buồn



Em xin làm tượng đá Đứng trăm năm đợi chờ Nghìn xưa sau vẫn thế Dầu anh có hững hờ Em xin làm tượng đá Giấu thiên thu dỗi hờn Mặc ngày hè nắng bỏng Mặc ngày đông lạnh căm Em xin làm tượng đá Nhìn dòng người lại qua Anh đến hay không đến Anh gần hay anh xa Thôi muôn đời tượng đá Buồn vui chỉ câm lời Anh bây chừ xa lạ Ngang qua như muôn người

5-6-2019- Ảnh minh họa


TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...