14.3.18

GẠC MA - CÔ LIN - LEN ĐAO 14-3-1988

TOÀN CẢNH TRẬN CHIẾN GẠC MA - CÔ LIN - LEN ĐAO
Trần Đức Anh Sơn

1. Quần đảo Trường Sa trước trận chiến Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao

Sau khi tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa vào đầu tháng 5/1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đó là Cộng hòa XHCN Việt Nam) tiếp tục thực thi chủ quyền trên quần đảo này. Từ năm 1976, cùng với việc thường xuyên tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện quân sự cho công tác phòng thủ các đảo, Hải quân Việt Nam đã bắt đầu triển khai xây dựng và củng cố các công trình phòng thủ (công sự, trận địa, hầm hào chiến đấu, đài quan sát, sở chỉ huy…) trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 14/7/1978, Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra Quyết định số 478/QĐ-QP, thành lập căn cứ Cam Ranh - Sư đoàn 402, thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; với nhiệm vụ xây dựng sở chỉ huy của căn cứ đủ sức bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân có thể chỉ huy được lực lượng của mình và chỉ huy tác chiến quân binh chủng hợp thành khi xảy ra chiến đấu ở khu vực Trường Sa.

Về vận chuyển chi viện cho Trường Sa, từ tháng 3 đến tháng 8/1977, Đoàn 125 (Hải đoàn 125) đã chở 2.630 tấn hàng, vật liệu xây dựng cùng với Hải đội 171 hoàn thành kế hoạch vận chuyển 3.730 tấn hàng cho 5 đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây và Sơn Ca, phục vụ cho bộ đội phòng thủ đảo và xây dựng các công trình quân sự ở đây.

Trước tình hình Philippines đưa quân chiếm đóng bất hợp pháp bãi An Nhơn và tăng cường hoạt động thăm dò, trinh sát trái phép quanh các khu vực đảo của ta đã đóng giữ (tháng 3/1978), nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, Hải quân Việt Nam đã đưa lực lượng ra đóng thêm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa để tăng cường khả năng củng cố phòng thủ bảo vệ quần đảo này.
Một mặt, Hải quân Việt Nam tập trung các lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá, lực lượng bộ binh của Trung đoàn 146, bộ đội đặc công của Lữ đoàn 126, Trung đoàn Công binh 83 ra chốt giữ bảo vệ các đảo: Trường Sa Đông (Đá Giữa), An Bang, Phan Vinh (Hòn Sập) và Sinh Tồn Đông; mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ bảo vệ đảo đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng ngay từ trận đầu khi địch có những hành động vũ lực xâm phạm chủ quyền đối với các đảo.

Theo đó, ngày 10/3/1978, một phân đội của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ lên đảo An Bang. Ngày 04/4, 19 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 146 ra đóng giữ, bảo vệ đảo Trường Sa Đông. Từ tháng 3 đến tháng 5/1978, các tàu HQ 605, HQ 601, HQ 681, HQ 606 đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển bộ đội ra chốt giữ, bảo vệ và xây dựng công trình phòng thủ trên các đảo: Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông và bãi đá Thuyền Chài.

Trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn sau khi trải qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng và chiến tranh biên giới 1979 hao người tốn của, Việt Nam vẫn tập trung mọi nguồn lực có thể để củng cố khả năng phòng thủ để bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Năm 1978, Hải đoàn 125 đã vận chuyển 17.763 tấn hàng hóa, vũ khí và 5.372 lượt người phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Đây là khối lượng hàng và người lớn nhất chi viện cho bộ đội bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa kể từ tháng 4/1975.


Tháng 11/1980, hai tàu HQ 612 và HQ 616 trực bảo vệ Trường Sa đã nêu cao cảnh giác, phát hiện và đối phó kịp thời và hiệu quả với hành động xâm nhập vây ép đảo An Bang của lực lượng quân sự nước ngoài, giữ vững an ninh, chủ quyền đảo.

Từ năm 1980, Hải quân thực hiện giai đoạn 2 xây dựng quần đảo Trường Sa (1980 - 1985), tăng cường biên chế, trang bị và xây dựng hệ thống công trình chiến đấu kiên cố, vững chắc trên quần đảo nhằm nâng cao một bước có tính chất cơ bản, lâu dài khả năng chiến đấu phòng thủ đảo. 

Cũng năm 1980, Lữ đoàn 125 đã vận chuyển 7.000 tấn; năm 1981, vận chuyển 6.532 tấn nguyên vật liệu xây dựng, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và 1.252 lượt cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau luân chuyển ra bảo vệ và xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, để tăng cường sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, từ năm 1980, chúng ta khẩn trương bổ sung vũ khí, phương tiện quân sự cho lực lượng phòng thủ bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1982, đã vận chuyển được 19.577 tấn hàng và 5.105 lượt người từ đất liền ra đảo và từ đảo về đất liền an toàn tuyệt đối. Năm 1983, là 14.946 tấn hàng và 4.618 lượt người, năm 1984 là 2.970 tấn. Bước sang năm 1985, trước yêu cầu cấp bách của yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa, Bộ Quốc phòng quyết định đưa gấp một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật liệu xây dựng ra tăng cường sức mạnh chiến đấu quần đảo.

Lữ đoàn 125 đã hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần, Phòng Công trình triển khai các bước giao nhận, vận chuyển, bảo đảm các mặt… nên chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, đã vận chuyển được 3.885 tấn hàng quân sự, 573 lượt người (đạt 111% kế hoạch).

Sang năm 1986, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân triển khai tiếp kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 vận tải chi viện quần đảo Trường Sa, nhằm tiếp tục xây dựng cơ bản, lâu dài, kiên cố các công trình phòng thủ và tăng cường sức mạnh bảo vệ đảo. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, ngay trong năm 1986, Quân chủng đã khắc phục khó khăn về phương tiện hiện có trong biên chế, vận chuyển được 2.604 tấn hàng và 970 lượt người ra Trường Sa an toàn.
Song song với thiết lập chủ quyền và bố trí lực lượng phòng thủ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà đã tiếp quản từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đó là Cộng hòa XHCN Việt Nam) tiếp tục đấu tranh pháp lý với chính phủ các nước hiện đang chiếm giữ trái phép các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ sau ngày đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (tháng 01/1974), Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, pháp lý, hành chính và quân sự để đánh chiếm quần đảo Trường Sa.
Từ cuối năm 1986, giả dạng các tàu đánh cá, tàu nghiên cứu, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xuống vùng biển phía nam, tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt là từ ngày 24 đến 30/12/1986, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc tiến hành các hoạt động trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến đảo Thuyền Chài, gây căng thẳng trên vùng biển của Việt Nam.
Đầu năm 1987, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và tăng cường đưa tàu chiến đi lại gần khu vực đảo Thuyền Chài. Trung Quốc đã đưa tàu Hải Dương 4 tiến hành trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có cả những đảo ta đang chốt giữ; tăng cường số lượt tàu qua lại khu vực các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách ta khoảng một hải lý để thị uy. Trung Quốc sử dụng lực lượng hải quân khảo sát địa chất bất hợp pháp trên vùng biển quần đảo Trường Sa, tìm vị trí xây dựng được một trạm quan trắc hải dương theo yêu cầu của tổ chức khí tượng - hải dương thế giới; đồng thời tăng cường các hoạt động xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên vào sâu vùng biển của ta. Cũng thời kỳ này, Malaysia đưa lực lượng chiếm giữ bất hợp pháp các bãi đá Kỳ Vân và Kiệu Ngựa ở phía nam quần đảo Trường Sa.

2. Phản ứng của Việt Nam trước trận chiến Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao

Trước tình hình các nước tăng cường tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra củng cố, giữ vững các đảo đang chốt giữ, tăng cường thế phòng thủ các đảo theo từng cụm, từng khu vực, bảo đảm khi có chiến sự xảy ra có thể chi viện hỗ trợ kịp thời giữ vững đảo; đưa lực lượng đóng giữ một số bãi đá ngầm trong khu vực quần đảo Trường Sa. 

Đầu năm 1987, Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng đóng giữ bãi cạn, đá ngầm Thuyền Chài (tháng 3/1987), tiếp đó, tổ chức xây dựng kế hoạch bảo vệ quần đảo Trường Sa 3 năm (1988 - 1990).
Xác định Trung Quốc có âm mưu thôn tính các đảo phía tây quần đảo Trường Sa và chiếm đóng xen kẽ vào các cụm đảo do lực lượng hải quân của ta đang đóng giữ, nhằm thiết lập tuyến ngăn chặn các hoạt động của ta từ đất liền đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đề ra kế hoạch triển khai lực lượng đóng giữ trên 11 bãi cạn, đá ngầm, cụ thể: Năm 1988, đóng giữ 4 vị trí: Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn và Tiên Nữ; năm 1989, đóng giữ tiếp các bãi: Đá Thị, Tốc Tan, Đá Lát, Ga Ven, Đá Đông, Châu Viên và Núi Le. 

Ngày 06/11/1987, Bộ Quốc phòng chính thức phê chuẩn kế hoạch tác chiến trên và ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị của cấp trên, trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ” 

Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; đồng thời chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 172, Trung đoàn 83 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động chiến đấu, ra xây dựng các công trình phòng thủ trên các bãi đá ta mới đóng giữ; điều chuyển một số tàu thuộc các lữ đoàn 146, 125 đưa bộ đội đến tăng cường lực lượng đóng giữ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân về diễn biến tình hình ở quần đảo Trường Sa, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 30/11/1987, về đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân chủng Hải quân tăng cường lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ trên các đảo và vùng biển phía Nam. Quân chủng tăng cường thêm phương tiện cho Vùng 4 Hải quân, bảo vệ vị trí neo đậu cho tàu thuyền tại khu vực giàn khoan. Hàng ngày duy trì 2 tàu bảo vệ khu vực khai thác dầu khí, bảo vệ an toàn cho công tác thăm dò và khai thác dầu khí. Hoạt động tuần tiễu ở khu vực giàn khoan của lực lượng Hải quân lúc cao nhất có 6 tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129. Một số tàu đánh cá đến hoạt động trái phép ở khu vực thềm lục địa, hoặc tàu lạ xuất hiện bị Hải quân ta ngăn chặn xua đuổi, bảo vệ an toàn cho các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Đầu tháng 01/1988, nhận thấy tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có chiều hướng phức tạp, Hải quân Việt Nam xác định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng; tranh thủ thời gian, triển khai lực lượng đóng giữ trên các đảo, hoàn thành kế hoạch đóng giữ các đảo trong ba năm (1988 - 1990) ngay trong năm 1988…; đồng thời tăng cường số lần hoạt động tuần tiễu, bảo vệ vịnh Bắc Bộ, vùng biển Tây Nam. 

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh điều động lực lượng tàu, bộ đội công binh và lực lượng của cơ quan chuyển vào Cam Ranh, sẵn sàng đưa bộ đội ra đóng giữ đảo; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ, thực hiện tốt việc di chuyển cơ quan, chỉ đạo triển khai tăng cường thông tin liên lạc ở Cam Ranh, Thành phố Hồ Chí Minh, quần đảo Trường Sa, chú trọng mạng thông tin hiệp đồng quân binh chủng; chỉ đạo bảo đảm hàng hải, thả phao tiêu đánh dấu luồng lạch ở Trường Sa; chỉ đạo công tác vật tư, tài chính, công binh bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng công trình, công sự chiến đấu, thiết bị chiến trường ở quần đảo Trường Sa; chỉ đạo tăng cường công tác nắm địch, tăng thêm phương tiện, lực lượng nắm địch, chỉ đạo công tác tuyển quân và huấn luyện chiến đấu.
Tiếp tục các hành động xâm chiếm bất hợp pháp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 22/01/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu tuần dương, 1 tàu dầu, 1 tàu đổ bộ và một số tàu chiến khác đến chiếm đóng bất hợp pháp đảo Chữ Thập. Tiếp đó, họ đã đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền nước ta qua lại để bảo vệ đảo Chữ Thập.

Hải quân Trung Quốc còn tổ chức các cụm tuyến hoạt động gồm: cụm thứ nhất lấy Hoàng Sa, mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp từ 1974, làm căn cứ thường xuyên, có tàu hộ vệ pháo, hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần dương, các tàu ngầm và tàu hộ tống nhằm ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu Hải quân Việt Nam hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng đảo phía Nam; cụm thứ 2 ngăn chân lực lượng Hải quân Việt Nam ở bán đảo Cam Ranh, đảo Phú Quý (Cù lao Thu) và cụm Chữ Thập, âm mưu khống chế Việt Nam ở khu vực Trường Sa, nếu có thời cơ phát triển lực lượng xuống khu vực phía nam Biển Đông.

Trước tình hình trên, ngày 23/01/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều tàu HQ 613 thuộc Vùng 4 Hải quân chở lực lượng và vật liệu ra đảo Tiên Nữ. Mặc dù phải qua hai ngày vượt sóng to, gió lớn, nhưng khi ra đến đảo, bộ đội đã nhanh chóng xây dựng công sự, nhà ở vững chắc để đảm bảo sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ giữ đảo.

Tiếp đó, ngày 27/01/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định đưa các tàu HQ 611 và HQ 712 chở 1 đại đội công binh và hai khung đảo của Lữ đoàn 146 đến chiếm giữ đảo Chữ Thập. Ngày 29/01, tàu bị hỏng máy phải dừng lại sửa chữa. Sáng ngày 30/01, khi cách đảo 5 hải lý, thì phát hiện 4 tàu chiến Trung Quốc, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo ra ngăn cản, có lúc chỉ cách 300 m, không cho tiếp cận đảo, tàu phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được việc đóng giữ đảo Chữ Thập như kế hoạch đề ra. 

Ngày 04/02/1988, Hải quân Việt Nam nhận định: Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp trên đảo Chữ Thập, họ có thể mở rộng phạm vi chiếm đóng sang các đảo Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan và đóng xen kẽ những bãi đá ta đang đóng giữ. Trước mắt, ta chưa đưa quân ra đóng xen kẽ ở đảo Chữ Thập vì họ ngăn chặn ta từ xa. Do đó, ta phải nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Lát, Đá Lớn, Châu Viên.
Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân thành lập Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng tại Cam Ranh, do đồng chí Giáp Văn Cương làm Tư lệnh, kiêm Tư lệnh Vùng 4 để chỉ huy các cơ quan, đơn vị kịp thời giải quyết mọi mặt theo yêu cầu đóng giữ, bảo vệ Trường Sa và DK1
.
Triển khai nhiệm vụ đưa lực lượng ra đóng giữ đảo, tàu HQ 611 và tàu HQ 712 đưa lực lượng công binh và bộ đội của Lữ đoàn 146 đến đảo Đá Lát. Bộ đội phân chia lực lượng thành 3 tổ chiến đấu canh gác, đồng thời tổ chức lực lượng làm nhà cấp ba. Đến ngày 20/02, lực lượng công binh được sự hỗ trợ của lực lượng đóng giữ đảo hoàn thành nhà và bàn giao cho cho lực lượng bảo vệ đảo.

Ngày 13/02, Lữ đoàn 125 cho tàu HQ 505 kéo tàu LCU 556 cùng bộ phận làm nhà cao chân đóng giữ đảo Đá Lớn. Trong khi ta đang tiến về phía đảo, thì phát hiện tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng tiến về phía Đá Lớn. Các tàu này đã có những hành động ngăn cản, uy hiếp tàu của ta. Tàu HQ 505 bình tĩnh khôn khéo đưa tàu LUC 556 tiếp tục tiến về phía bắc của đảo. 

Ngày 20/02, sau khi quan sát thăm dò luồng, tàu HQ 556 tiến vào phía vào phía nam đảo an toàn. Tiếp đó, tàu Đại Lãnh của Công ty trục vớt cứu hộ Sài Gòn kéo tàu HQ 582 và pông-tông Đ02, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 01/3, vào đến vị trí phía bắc đảo Đá Lớn. Cán bộ, chiến sĩ trên pông-tông Đ02 và lực lượng trên tàu LCU đã đến triển khai lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ đảo Đá Lớn.

Tháng 02/1988, Trung Quốc tăng thêm 4 tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo xuống hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, gây tình hình hết sức căng thẳng. Ngày 18/02, Hải quân Việt Nam xác định: Ta phải kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo đã có kế hoạch. Nếu cần, có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi, không làm như vậy sẽ không ngăn chặn được Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi chiếm đóng thêm. 

Giữa tháng 02/1988, Quân chủng Hải quân đã điều động Lữ đoàn 125 đưa pông-tông 07 ra giữ Tốc Tan, đồng thời, đưa lực lượng, phương tiện của Lữ đoàn 146 và lực lượng công binh của Trung đoàn 83 ra xây dựng, cắm cờ, canh gác, chốt giữ đảo Đá Đông, một đảo chìm rộng giữ vị trí quan trọng trong quần đảo.

Trong bối cảnh hải quân Trung Quốc có thể khiêu khích ngăn chặn bất cứ lúc nào, song các tàu của ta đã bình tĩnh vượt qua sóng gió đưa bộ đội và vật liệu đến đảo an toàn. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tàu, đảo, công binh, công việc triển khai lực lượng bảo vệ đảo, xây dựng nhà, công sự đã hoàn thành theo đúng kế hoạch, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Các tàu HQ 605 và HQ 604 tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài Đá Đông.

Như vậy, đến tháng 03/1988, lực lượng Hải quân Việt Nam đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên các đảo: Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ và Đá Lớn, đưa tổng số đảo đóng giữ của ta lên 16 đảo, trong đó gồm 9 đảo nổi, 7 đảo chìm.

3. Diễn biến trận chiến Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao

Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo, đá: Chữ Thập, Châu Viên, Huy gơ (tiếng Anh: Hughes Reef, sau đổi tên là đá Tư Nghĩa), Ga Ven và Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.

Trước tình hình đó, ngày 04/3/1988, Hải quân Việt Nam xác định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 115o, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo ta đang chiếm giữ, vì vậy phải quyết tâm đưa bộ đội đóng giữ các đảo: Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Triển khai chủ trương trên, ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125), do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm Thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, tàu HQ 605 đến đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5 giờ ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của bộ đội ta.

Tiếp đó, 9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm Thuyền trưởng và tàu HQ 505 do đồng chí Vũ Huy Lễ làm Thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin. Phối hợp với 2 tàu HQ 604 và HQ 505 có 2 phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu). 

Sau khi 2 tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ đá Huy Gơ chạy về phía đảo Gạc Ma. Tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 của ta, dùng loa gọi sang khiêu khích, thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma, uy hiếp lực lượng của Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ 2 tàu HQ 604 và HQ 605 động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu, kiên trì neo giữ quanh đảo. 

Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21 giờ ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí: Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma và Cô Lin; khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm ngày 13/3. Tàu HQ 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó, lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma. 6 giờ, ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến vào giật cờ ta. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ. Lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta, làm thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Không ép được lực lượng Việt Nam rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14/3, 2 tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ 604 của Việt Nam, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt. Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và cùng một số cán bộ, chiến sĩ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.

Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 đã cắm 2 lá cờ lên đảo. Khi tàu HQ 604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu thì bốc cháy. 

8 giờ 15 phút ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin.
Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ-605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6 giờ ngày 15/3 mới lên đến đảo).

Trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc: 3 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương, 70 đồng chí bị mất tích (sau này, Trung Quốc trao trả cho Việt Nam 9 người, còn 61 người mất tích), 3 tàu bị bắn cháy và chìm.

Trận hải chiến Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao đã đi vào lịch sử chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược như một biểu tượng của tinh thần quả cảm và sự hy sinh anh dũng của Hải quân và công binh Việt Nam.
Sau này, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân các tập thể và cá nhân sau: Tàu HQ 505 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân (8/1/1989); Tàu HQ 931 thuộc Hải đội 413 Lữ đoàn 955 Vùng 4 hải quân (13/12/1989); Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng tàu HQ 505 (6/1/1989); Liệt sĩ Trần Văn Phương, Chỉ huy phó đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146 Hải quân (6/1/1989); Liệt sĩ Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (3/12/1989); Liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604, Lữ đoàn 125 Hải quân (3/12/1989); Nguyễn Văn Lanh, Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 83 Hải quân (3/12/1989). Ngoài ra còn có hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu trên internet)

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...