Chuyện Côn đảo
ÔNG QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ TIÊU THỤ VÀ
NHỮNG “THÂN CHỦ” QUEN THUỘC CỦA QUỸ KÝ THÁC CAN NHÂN
Trong thời gian chỉ hơn một năm rưởi ở Côn đảo, ngoài nhiệm vụ chính thức là nhân vật số 2 tại Cơ sở HC Côn Sơn và bị ông Lê Công Chất, Thứ trưởng bộ Nội vụ, khoác cho thêm vai trò người cố vấn hành chánh, tài chánh cho ông Quản đốc Trung tâm Cải huấn (cũng do ông chúa đảo kiêm nhiệm), tôi còn phải kiêm nhiệm thêm hai nhiệm vụ khác nữa, là Chủ tịch Ban quản trị Hợp tác xã Tiêu thụ và Quản lý kế toán “Quỹ Ký thác can nhân”.
* Xin nói trước về Hợp tác xã Tiêu thụ Côn Sơn. Như mọi hòn đảo khác, Côn đảo là một khu vực “chó ăn đá, gà ăn muối”, địa hình chủ yếu là đồi núi, đất khả canh chỉ có một thẻo nhỏ, không trồng lúa được, chỉ trồng rau muống. Chính quyền và ban quản lý trại giam đã tận dụng những vạt đất canh tác được trên đồi núi để lập nên Sở Rẩy, ngày ngày các tù phạm được đưa lên đó chăm sóc. Tất nhiên hậu quả thấy rõ của tình trạng này là cư dân trên đảo không có đủ rau quả và thức ăn để ăn. Từ lâu, trước khi tôi ra đảo, chính quyền đã thiết lập HTX Tiêu thụ, mua thực phẩm từ đất liền ra bán lại cho những thành phần sống trên đảo, kể cả những phạm nhân được sử dụng làm công nhân văn phòng, ở trại riêng bên ngoài (Trại lá) như tôi đã kể ở trên. Người thầu cung cấp thực phẩm cho HTX là ông Huỳnh Văn Phàn, nhà ở Bà Chiểu, Gia Định, trông bề ngoài giống một nông dân hơn là một nhà thầu. Hàng tháng (hay 2-3 tháng), ông thuê một chuyến tàu chở ra Côn đảo những thực phẩm cần thiết, theo yêu cầu của Ban Quản lý HTX Tiêu thụ. HTX là một dãy nhà dài gần đối diện với Cơ sở HC Côn sơn, người làm việc tại đó phần lớn là con em quân nhân, công chức trên đảo và tù. Căn nhà đầu dãy, ở góc đường, là nơi ở của anh quản lý HTX, Nguyễn Văn Sơn, một người đàn ông trung niên hơi thấp, nước da trắng, hơi xanh một chút. Khi tôi mới chân ướt chân ráo ra đảo thì nghe đâu anh Sơn đã cư ngụ trên đảo 15 năm rồi. 15 năm cu ky một mình, không thân nhân vào ra thăm viếng, cũng chẳng nghe nói anh về Sài Gòn bao giờ. Anh lại không thuộc vào thành phần nào trong hai thành phần chủ yếu trên đảo, một là quân nhân, công chức (kể cả giám thị trại giam) và gia đình họ; hai là tù. Một đôi lần, tôi nghe đồn anh Sơn là người của “phía bên kia” cài cắm trên đảo, do lối sống đơn chiếc của anh trong nhiều năm, và cũng do cung cách ứng xử nhẹ nhàng, thâm trầm của anh. Tôi không quan tâm đến điều này, phần vì đây chẳng thuộc nhiệm vụ của tôi, phần vì tôi nghĩ là tôi nghe được thì ắt hẳn ông chúa đảo và bộ phận an ninh, cảnh sát cũng nghe được.
Chỗ ở của anh Sơn tuy không rộng, nhưng do anh sống độc thân nên thường trở thành chỗ gặp gỡ, nói chuyện khào của các trưởng ty sở, sĩ quan trên đảo. Tôi cũng chỉ đến đó một đôi lần. Bộ máy HTXTT chạy đều từ trước khi tôi ra đảo nên hầu hết việc điều hành, anh Quản lý Nguyễn Văn Sơn đảm đương cả. Thường thì mỗi cuối tháng, anh Sơn lên CSHC mời tôi đích thân xuống HTX xem mấy cuốn sổ nhật ký kế toán, to và rất nặng nề, để ký duyệt vào đó. Những khoảng thời gian khác trên đảo, tôi và anh Sơn ít gặp nhau, cho đến ngày tôi rời đảo.
Tháng 4.1982, tôi “trở về đời”, không lâu sau, gặp lại 1-2 người từng ở Côn đảo như tôi, được biết anh Nguyễn Văn Sơn và đại úy Dậu, trưởng ban 4 Bộ chỉ huy Đặc khu Côn Sơn trước 30.4.1975, là hai trong số những người tiếp quản đảo sau 30.4 và thiết lập “chính quyền cách mạng” trên đảo. Từ ấy đến nay, tôi không biết thêm tin tức về anh Sơn.
* Những năm trước 1975, tù nhân tại Côn đảo, kể cả tù chống đối bị giam riêng, được phép nhận tiền do thân nhân từ đất liền gửi ra. Số tiền gửi ra đảo dưới hình thức bưu phiếu (mandat-poste, người Việt thường gọi nôm na là “măng-đa”), vào khoảng từ 2.000đ đến 4.000đ. Song có lẽ do từng xảy ra (hoặc để tránh) trường hợp phạm nhân có nhiều tiền một lúc, dẫn đến việc họ nhờ giám thị hay tù trật tự mua rượu thịt vào nhậu nhẹt trong tù, hoặc đánh bạc, hoặc mua chuộc giám thị, qui định của Trung tâm cải huấn Côn Sơn là chỉ cho họ được phát mỗi tuần lễ 500đ, nhận như thế cho đến khi hết số tiền họ có thì thôi. Để thực hiện qui định này, một “Quỹ ký thác can nhân” (KTCN) được chính quyền trên đảo lập ra để nhận tiền của tù nhân và phát dần ra cho họ, chức trách Quản lý kế toán quỹ đó do tôi kiêm nhiệm. Theo thủ tục, mỗi khi Ty Bưu điện Côn Sơn nhận được bưu phiếu đề tên người nhận, tên trại giam giữ, nơi đây sẽ thực hiện hai động tác chính: một là thông báo tên người thụ hưởng cho ban quản lý trại nơi họ bị giam giữ để nơi đây thông báo trực tiếp số tiền họ có trong tài khoản; hai là sung đương số tiền đó vào quỹ KTCN với đầy đủ tên người nhận, tên trại giam. Hàng tuần, mỗi trại giam sẽ căn cứ vào yêu cầu của các phạm nhân có tiền trong quỹ KTCN, lập danh sách những người xin nhận tiền (500 đ), kèm chữ ký của mỗi người, gửi đến ban điều hành quỹ để lập thủ tục trả tiền cho họ. Tiền do giám thị trưởng trại nhận chung cho toàn bộ phạm nhân trong trại và phát lại cho mỗi người. Trong những tháng đầu tiên, tôi thực hiện việc trả tiền cho phạm nhân với sự giúp sức của hai người tù chính trị làm việc trực tiếp với tôi. Tôi vẫn còn nhớ một người tên Nguyễn Xuân An, một người tên Nguyễn Duy; nghe đâu họ là sinh viên, bị bắt và đày ra Côn Sơn do những hoạt động chống chính quyền trong thời kỳ nhiều biến động chính trị tại miền Trung, đặc biệt tại Quảng Nam-Đà Nẵng vào nửa sau thập niên 1960. Cả hai anh An và Duy trạc tuổi tôi lúc bấy giờ. An mặc bộ bà ba màu xanh da trời đã ngã gần hết sang màu trắng, còn Duy thì bộ bà ba cũng gần trôi hết màu đen. Chân họ mang guốc vông, trông họ vẫn tươm tất, không nhếch nhác như nhiều người tù khác. Họ hiền lành, hết lòng với công việc và không bao giờ nói với tôi về chuyện chính trị. Được vài tháng, do bận nhiều việc, tôi xin với ông chúa đảo Cao Minh Tiếp cử cho một giám thị có học vấn tương đối để trực tiếp phụ giúp tôi điều hành quỹ KTCN. Người đó là giám thị Lê Văn Hùng, trưởng kho 2 lương thực, thực phẩm của TTCH. Ông có nét chữ viết đẹp (có lẽ vì thế mà được giao chức thủ kho), ăn chay trường, đầu cạo trọc, người trông khá hiền lương. Từ ngày ông giúp tôi điều hành quỹ KTCN, tôi rảnh rang lo việc khác, chỉ giúp ông giải quyết những khó khăn bất chợt về thủ tục, đặc biệt trong việc quyết định cho một số tù nhân “có máu mặt”, khả tín, nhận lãnh trọn số tiền họ có. Chính trong sự vụ này mà tôi có dịp tiếp xúc với một số người tù “đặc biệt”, đến gặp tôi để xin nhận lãnh một lần trọn số tiền do thân nhân họ gửi ra.
* Người đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến là y sĩ Lê Túy, một cán bộ MTGP, bị bắt vào năm 1968 khi lẻn từ chiến khu về thăm nhà tại trung tâm thị xã Nha Trang. Anh Túy ra làm tại Ty Y tế (kiêm bệnh viện) Côn Sơn, mọi người lịch sự gọi anh là bác sĩ.Vả lại, vào thời đó, hầu như không có sự phân biệt giữa y sĩ và bác sĩ, hội đoàn của giới bác sĩ vẫn có tên là “Y sĩ đoàn”; còn y sĩ ngày nay thì vào thời đó là Cán sự Y tế, Cán sự Điều dưỡng, vào hàng công chức hạng B. Anh Túy được biết đến nhiều với kỹ thuật trị bệnh đau dạ dày khá kỳ lạ: anh chỉ cần dùng dao bén rạch một lằn nhỏ trên lòng bàn tay người bệnh, lấy ra một tí mỡ là người đó khỏi bệnh dạ dày! Anh là “thân chủ” của quỹ KTCN được tôi ưu ái nhất, cứ mỗi khi được thông báo về số tiền do thân nhân gửi ra, không đợi xong các thủ tục chuyển tiền vào quỹ KTCN, anh chạy đến tôi, nở nụ cười “cầu tài”, xin tôi ứng trước cho trọn số tiền đó. Tôi mến cái phong cách vui vẻ, cởi mở, sự đứng đắn của anh nên lần nào cũng “đặc cách” thỏa mãn yêu cầu của anh. Bù lại, anh cũng giúp được tôi một việc mà tôi sẽ kể trong bài sau.
Một bác sĩ tù chính trị khác cùng làm chung với anh Lê Túy tại Ty Y Tế là anh Triết (Nguyễn Đình Triết?). Hình như anh bị bắt trong những vụ biến động về chính trị tại Quảng Nam-Đà Nẵng những năm cuối thập niên 1960, trong đó có vụ biến động nổi tiếng liên quan đến bác sĩ Mẫn và đại tá Đàm Quang Yêu. Nghe đâu lúc đầu anh không chịu ra hợp tác với chính quyền trên đảo, nhưng về sau, anh nghe theo lời khuyên của một số người là nên ra để có điều kiện chăm sóc sức khỏe các tù chính trị một cách hiệu quả hơn. Anh không là “thân chủ” của quỹ KTCN, có thể anh nhận được tiền từ một nguồn khác, qua nhân viên y tế trên đảo chẳng hạn. Tôi thường gặp anh Triết tại nhà bác sĩ Nguyễn Đình Khương, Trưởng ty Y tế Côn Sơn, một trong những người bạn thân thiết của tôi trên đảo. Có lần anh Triết ghé nhà tôi chơi, trong lúc tôi đang chơi bóng bàn với các anh em tù và công chức. Anh được giải hồi (chữ thời đó dùng để chỉ sự trả tự do) khá sớm, trước khi tôi rời đảo.
Ở một bài trước, tôi có nhắc đến vụ án Đại úy Trần Ngọc Hiền thuộc MTGP, bị bắt tại Sài Gòn khi từ chiến khu về liên lạc với sứ quán Mỹ. Còn nhớ khi vụ án diễn ra, báo chí lúc bấy giờ có kể lại chuyện em ruột ông Hiền là Trung tá VNCH Trần Ngọc Châu, khi đang làmTỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), từng dùng xe jeep chở ông Hiền từ dinh Tỉnh trưởng xuống cầu bắc Mỹ Tho. Ở Côn đảo, ông Hiền cũng thường đến xin tôi cho lãnh trọn số tiền do thân nhân gửi ra. Tất nhiên là tôi không từ chối. Tôi vốn là dân học luật và kinh tế-tài chánh, nghe đồn ông Hiền là tiến sĩ kinh tế học ở Liên Xô nên cũng tò mò muốn biết kinh tế XHCN như thế nào. Vì vậy, tôi có đôi lần lưu ông Hiền lại văn phòng để trao đổi về các vấn đề kinh tế. Có hôm tôi lịch sự mời ông khi rảnh rang thì ghé nhà tôi chơi. Một buổi sáng chủ nhật, ông Hiền đến thăm tôi tại nhà. Khác với ông Nguyễn Xuân Hòe, ngồi chưa ấm chỗ, ông Hiền đã thuyết cho tôi nghe về sự ưu việt của CNXH, về những âm mưu của “đế quốc Mỹ”, về những điều mà một cán bộ tuyên giáo vẫn thường nhai đi nhai lại. Buổi đàm luận duy nhất đó sớm chấm dứt, về sau, tôi không có dịp nói chuyện với ông Hiền nữa, ngoại trừ những lúc chấp thuận trả trọn số tiền ông nhận được.
Những người ở độ tuổi 60-70 trở lên, từng sống ở Sài Gòn và miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968, chắc sẽ nhớ rõ vụ án “phở Bình” nổi tiếng, được báo chí thời đó khai thác triệt để. Theo cáo trạng lúc bấy giờ, ông chủ quán phở này đã dùng địa điểm kinh doanh của mình làm nơi chứa chấp các cán bộ cao cấp của MTGPMN. Thời đó, tôi sống xa Sài Gòn nên không quan tâm lắm đến vụ án. Nhưng tại Côn đảo, tôi lại gặp nhân vật chính của vụ án này là chủ quán phở Bình, ông Ngô Toại.
Ông Ngô Toại là người gốc Hoa, cao to, nước da trắng hồng, khi đến gặp tôi để xin lãnh trọn số tiền do người nhà gửi ra, ông thường mặc chiếc quần lụa đen thẳng thớm và chiếc áo sơ mi trắng, không thể nào trắng hơn. Tôi tưởng tượng nếu tôi và ông Ngô Toại đứng cạnh nhau lúc đó, trước mắt một người chưa biết gì về chúng tôi, thì không khéo người đó sẽ đoán tôi là tù, chứ chẳng phải ông Ngô Toại. Song, đó cũng chưa phải là điều đáng nói. Điều đáng nói, gây cho bản thân tôi không ít ngạc nhiên, đó là một người ít nhất là “thân Cộng” như ông Ngô Toại lại được chính ông chúa đảo Cao Minh Tiếp sử dụng làm người quản gia kiêm đầu bếp chính của mình! Tôi tưởng tượng chỉ cần một cái búng tay của ông Toại lên đĩa thức ăn thì Trung tá Tiếp đủ lăn quay ra rồi. Dinh chúa đảo cũng là nơi đón tiếp, chiêu đãi nhiều phái đoàn trung ương cấp Phó thủ tướng, Bộ trưởng, ra du hí nhiều hơn là thị sát, nếu ông Toại lãnh nhiệm vụ nào đó của “phía bên kia”, thì hậu quả còn ghê gớm đến đâu. Nhưng thực tế cho thấy trong một thời gian dài, ông Ngô Toại vẫn là quản gia của chúa đảo, và ông Tiếp vẫn còn sống nhăn răng cho đến ngày rời đảo, thăng quan tiến chức, lên Đại tá và làm Giám đốc Nha Cải Huấn, quản lý toàn bộ các trại giam ở miền Nam. Giờ đây, chỉ cần gõ 2 chữ “phở Bình” vào ô search Google, các bạn có thể đọc thấy một số bài viết ghi lại những “thành tích phi thường” của ông chủ quán Phở Bình Ngô Toại, giống như bạn đã xem về ông đại úy Phạm Ngọc Thảo tại phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa hay ông “cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ.
Nhắc đến chuyện này, tôi còn nhớ 2 kỷ niệm với ông Cao MinhTiếp. Một là khi vừa có lệnh chuyển từ Côn đảo về tỉnh Bình Dương, tôi ghé lại Nha Cải Huấn thăm ông, khi đó ông đã lên Đại tá. Ông mừng lắm, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau cả buổi, dù ông lúc nào cũng rất bận rộn. Một lần khác, ông lên thị sát Trung tâm cải huấn Bình Dương, địa phương nơi tôi đang làm việc. Tôi không hay biết gì, ông cho xe chạy sang Tòa Hành chánh tỉnh đón tôi qua TTCH gặp ông, tay bắt mặt mừng, ngồi hàn huyên với nhau gần cả buổi chiều… Khoảng năm 1976, khi đang ở trại cải tạo Long Thành, tôi tình cờ đọc một bài báo viết rằng trong số những sĩ quan VNCH mới di tản sang Mỹ, có hai người sớm ổn định cuộc sống và tạm gọi là thành đạt, một là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, và hai là Đại tá Cao Minh Tiếp, riêng ông Tiếp có một trang trại ở bang California. Nếu đúng vậy thì mừng cho ông.
Về đất liền làm việc một thời gian, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến những người từng cộng tác với tôi tại Quỹ KTCN, đến hai anh Nguyễn Xuân An và Nguyễn Duy, cùng những anh em tù khác mà trong những ngày sắp rời đảo, tôi quá bận bịu đến nỗi không nhớ mà từ biệt họ. Riêng với ông giám thị Lê Văn Hùng, khoảng năm 1974, ngày nọ đọc Công báo VNCH, tôi phát hiện ông đã được chuyển về TTCH Vĩnh Bình (Trà Vinh). Tôi vội vàng viết thư thăm ông, nhận được thư, ông mừng lắm, viết cho tôi một lá thư dài.
Nhân đây, cũng xin kể ra một “nghịch lý” khá đặc biệt tại Côn đảo: trong khi đây là nơi đày ải công chức phạm kỷ luật tại đất liền hay chính quyền trung ương phải kêu gọi người tình nguyện ra phục vụ, thì Côn đảo lại là “miền đất hứa” của giới giám thị cải huấn. Phần lớn họ là công chức hạng C, ngang ngạch tùy phái bên phía hành chánh (chạy công văn, giấy tờ), lương thấp, nên ngoài những quyền lợi được qui định chung với các thành phần công chức khác phục vụ tại vùng nước độc như thâm niên công vụ được tính 150% (một năm thâm niên được tính một năm rưởi), hàng tháng mỗi giám thị được trợ cấp khẩu phần ăn 21 kg gạo và cá khô, cá mắm theo tiêu chuẩn như của người tù. Khoản khẩu phần bổ sung này giúp họ tiết kiệm được một số tiền để bù đắp những khoản chi cần thiết khác. Nhiều gia đình làm giám thị cả 3-4 thế hệ, nhiều người trong cả đời mình, chưa từng đặt chân lên đất liền một lần. Vì thế, với một công chức ngạch giám thị cải huấn, có khi việc thuyên chuyển về đất liền lại không phải là niềm vui đối với họ.Tôi viết thư thăm hỏi, an ủi ông Lê Văn Hùng là vì thế.
Nhân đây, cũng xin kể ra một “nghịch lý” khá đặc biệt tại Côn đảo: trong khi đây là nơi đày ải công chức phạm kỷ luật tại đất liền hay chính quyền trung ương phải kêu gọi người tình nguyện ra phục vụ, thì Côn đảo lại là “miền đất hứa” của giới giám thị cải huấn. Phần lớn họ là công chức hạng C, ngang ngạch tùy phái bên phía hành chánh (chạy công văn, giấy tờ), lương thấp, nên ngoài những quyền lợi được qui định chung với các thành phần công chức khác phục vụ tại vùng nước độc như thâm niên công vụ được tính 150% (một năm thâm niên được tính một năm rưởi), hàng tháng mỗi giám thị được trợ cấp khẩu phần ăn 21 kg gạo và cá khô, cá mắm theo tiêu chuẩn như của người tù. Khoản khẩu phần bổ sung này giúp họ tiết kiệm được một số tiền để bù đắp những khoản chi cần thiết khác. Nhiều gia đình làm giám thị cả 3-4 thế hệ, nhiều người trong cả đời mình, chưa từng đặt chân lên đất liền một lần. Vì thế, với một công chức ngạch giám thị cải huấn, có khi việc thuyên chuyển về đất liền lại không phải là niềm vui đối với họ.Tôi viết thư thăm hỏi, an ủi ông Lê Văn Hùng là vì thế.
Những bài đầu tiên viết về những gì mắt thấy tai nghe tại Côn đảo đã tạo điều kiện cho người viết có thêm mấy người bạn FB từng sống tại hòn đảo này. Một người bạn mới của tôi là cô Minh Nguyet Phan từng làm ở Phòng Viễn thông trong những năm 1970 -1972; đặc biệt hơn, thân phụ cô, cụ Phan Thúc D., và chị ruột cô là Phan Minh Ch., từng làm việc trực tiếp với tôi tại Cơ sở HC Côn Sơn. Dù công việc của Nguyệt bó hẹp ở Phòng Viễn thông, song do cô được sinh ra và lớn lên tại Côn đảo, nên hi vọng rằng – trong một mức độ nào đó – cô có thể “thẩm định” tính chính xác về những gì tôi đã kể về sự kiện và con người ở Côn đảo. Ngoài ra, một người bạn khác là Nguyễn Thanh Vân đã làm việc tại Côn đảo sau 30.4.1975, nay đã về hưu, tuy đọc thấy những gì tôi viết có thể không giống với những gì bạn đã học, đã biết, nhưng với tinh thần học hỏi một cách khách quan, bạn cũng hi vọng những điều tôi viết sẽ giúp bạn bổ sung vào kho kiến thức về Côn đảo đã thu thập được. Đó cũng là chút động lực giúp người viết tự tin hơn vào sự đón nhận và tin cậy của các bạn yêu sử.
Lê Nguyễn
17.9.2017
17.9.2017