6.11.18

Ở nơi cưu mang những phận đời bất hạnh

ANH HÙNG TỪ THUỞ THIẾU NIÊN


Bài viết của Sáu Phong

Sau khi vua Thành Thái tỏ thái độ chống Tây và bị truất phế, Pháp muốn tìm một người kế vị phải còn nhỏ tuổi để dễ sai khiến và không dám chống đối. Khâm sứ Lévecque vào Hoàng cung cầm danh sách của các Hoàng tử để chọn vua, lúc điểm danh thiếu mất Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San. Lúc đó Hoàng tử Vĩnh San đang chui dưới gầm giường bắt dế. Do không kịp đưa về nhà tắm rửa, nên Vĩnh San được ra mắt trong tình trạng mặt mày lem luốc, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Thoạt trông, Lévecque đồng ý ngay vì thấy đứa bé mặt mày dơ dáy, nhìn nhút nhát và có vẻ như... đần độn, chắc dễ sai khiến sau này. Thế là đại diện nước Pháp chọn Vĩnh San làm nối nghôi vua Thành Thái kho ông khi mới 7 tuổi, sau khai tăng lên thành tám tuổi. Cái tên Duy Tân được triều thần đặt cho vì muốn tưởng nhớ đến vua Thành Thái với giấc mộng đổi mới không thành.
Thế nhưng, người Pháp đã lầm. Ngay sau lễ Tôn Vương một ngày (5/9/1907), vua Duy Tân đã tỏ ra khác hẳn, nhà vua không hề có một cử chỉ nhút nhát sợ Tây, ông đã tiếp viên quan toàn quyền Đông Dương thẳng bằng tiếng Pháp với một vẻ tự tin. Một nhà báo Pháp đã thuật lại là "... Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám". Thái độ chống Pháp của vua Duy Tân sớm bộc lộ ngay khi còn nhỏ. Có rất nhiều giai thoại kể về điều này. Một lần nhà vua ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Vua vừa rửa vừa hỏi:
- Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?
Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua nói:
- Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, hiểu không?
Viên thị vệ sợ quá, không biết nói ra sao.
Năm vua 12 tuổi, khi đến dự yến ở Tòa Khâm sứ, một viên cố đạo Pháp giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thấy vua vẻ mặt khôi ngô bèn đưa ra câu đối "Rút ruột ông Vua, tam phân thiên hạ". Đây là một câu chiết tự, chữ Vương khi bỏ đi nét Cổn ở giữa thành chữ Tam, vừa mượn tích Tam Quốc, vừa ám chỉ việc chia nước Việt Nam thành 3 kỳ. Không chút bối rối, vua Duy Tân đối lại ngay "Chặt đầu thằng Tây, Tứ hải giao huynh", vua cũng đối lại bằng một câu chiết tự, chữ Tây bỏ bớt phần đầu phía trên trở thành chữ Tứ. Tuy vế sau chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã thể hiện chí khí chống Pháp dứt khoát của nhà vua.
Vua Duy Tân thích con gái của Thượng thư Bộ học Hồ Đức Trung và muốn lấy làm phi, lễ hỏi đã được gửi sang thế nhưng chỉ còn 2 tháng nhập cung thì vua đột ngột từ hôn, yêu cầu triều thần tìm người khác. Sau này Pháp điều tra mới biết vua linh cảm được sự nguy hiểm nên không muốn gia đình họ bị liên lụy, bởi lúc này vua đã được tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do Trần Cao Vân và Thái Phiên thuyết phục cùng tham gia kế hoạch khởi nghĩa đánh Pháp. Không ngờ ngày 3/5/1916 khi cuộc khởi nghĩa chuẩn bị diễn ra thì kế hoạch bại lộ, Pháp tước hết khí giới của lính người Việt, Vua Duy Tân không biết nên đã rời khỏi kinh thành và bị bắt, lúc này nhà vua mới 16 tuổi. Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư Bộ học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án. Ông Trần Cao Vân tuy bị giam trong ngục nhưng nhờ được người đưa được một mảnh giấy cho ông Hồ Đắc Trung xin được nhận hết tội để Vua thoát nạn. Ông Hồ Đắc Trung lấy lý do vua còn nhỏ, chưa trưởng thành và làm án đổ hết tội cho 4 ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Văn Siêu. Bốn ông đều bị chém đầu còn vua Duy Tân thì bị đày đi đảo Réunion cùng với vua Thành Thái.
Nếu như vua Hàm Nghi và Thành Thái đều không còn những hoạt động nào kể từ khi bị lưu đày thì vua Duy Tân lại khác. Tháng 3/1920, Hội nghị Hòa bình các quốc gia châu Âu diễn ra tại Versaille, cựu hoàng Duy Tân gửi một lá thư đến báo "L'Humanité" đòi Việt Nam phải được trở thành một quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác! Dĩ nhiên những đòi hỏi này không được thực dân Pháp đếm xỉa đến. Khi vua Khải Đinh chết năm 1925, Duy Tân đã gửi về một câu đối: "Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc. Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu".
Vận hội đó của cựu hoàng Duy Tân phải đến 20 năm sau mới xảy ra, vào tháng 12/1945, Duy Tân đã gặp được tướng De Gaulle và đạt được những thỏa thu
ận để giải quyết vấn đề Việt Nam lúc bấy giờ. Theo đó tướng De Gaulle quyết định vào đầu tháng 3-1946 đưa Duy Tân trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam thay thế cho Bảo Đại, ba kỳ thống nhất, dưới một chính thể trung ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của mình. Pháp đảm nhận phòng thủ biên cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó... Thế nhưng chuyến đi đó không bao giờ thực hiện được vì ngày 26/12/1945, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, chiếc máy bay chở Cựu hoàng Duy Tân đã bị rơi gần Bangui thuộc Trung Phi, khi đó ông mới 45 tuổi.
Theo nhiều người đây có thể là một vụ mưu sát. Việc vua Duy Tân trở lại Việt Nam sẽ gây khó khăn cho Anh trong việc trao trả các thuộc địa. Trong Destin tragique d’un Empereur d’Annam, E.P Thébault viết:
Ngày 17/12/1945, mười hôm trước khi tử nạn, vua Duy Tân có linh cảm tính mạng ông bị đe doạ. Khi cả hai đi ngang lần chót vườn Tuileries, cựu hoàng nắm tay Thébault nói: "Anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có cái gì báo với tôi rằng tôi sẽ không trị vì. Anh biết không, nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt Nam. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan nếu tôi bỏ ý định ấy."
Ngày 28/3/1987, hài cốt của vua Duy Tân được gia đình đưa từ M'Baiki, Trung Phi về Paris làm lễ cầu siêu tại Viện Quốc tế Phật học Vincennes và sau đó đưa về an táng tại An Lăng, Huế, cạnh nơi an nghỉ của vua cha Thành Thái, vào ngày 6/4/1987./.
Nguồn sưu tầm một số tài liệu sử học và một số bài viết của một số tác giả về vua Duy Tân (1900 - 1945) trên facebook.

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...