21.6.18

21-6 về Thủ Thiêm nghe về nghề báo

Bài face Nhà báo Quỳnh Hương
Đến Thủ Thiêm nghe về 21-6
Ở Thủ Thiêm làm gì có ai quan tâm đến 21-6. Đúng thế. Nhưng ngày 20-6, giữa những bức xúc Thủ Thiêm lại nghe được, ngẫm được về nghề báo.
Ngồi ở hàng ghế phía trên giữa những người phụ nữ trên tay trĩu nặng chồng đơn từ, hồ sơ, phía trước là một hàng ngang những anh nhà báo lăm lăm máy ảnh, máy quay phim, mình nghe: “Đám nhà báo này chắn chỗ, không thấy đường...", “Cả chục năm, mỗi lần xảy ra cưỡng chế lại gọi nhà báo, mà có mấy ai xuống đâu. Có người xuống rồi về cũng không thấy đăng…”, “Nhà báo này có đèn xanh cho đăng mới đăng được. Bữa trước có ông nào cho đèn xanh, đăng quá trời mấy ngày rồi lại im…”, “Nay tiếp xúc, chắc đăng ngày nay ngày mai nữa rồi lại thôi…”...
Ngồi nghe. Im lặng. Cay đắng. Vâng, đúng thế. Nghề này ở xứ này, “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao"...
Một người đanh thép: “Chúng tôi đi khiếu nại không đặt nặng vấn đề vật chất mà mong những sai phạm đến mức tội ác ở đây phải được làm rõ. Thế lực này mạnh lắm, mạnh hơn bà đại biểu Quốc hội kiêm phó Bí thư nên không nên trách bà. Thế lực này bao năm điều khiển được chính quyền, điều khiển được toà án, bịt miệng được báo chí. Cho đến tận hôm nay vẫn điều khiển được báo chí chứng tỏ vẫn còn rất mạnh…”.
Ngồi nghe. Im lặng. Chua chát. Vâng, đúng thế. Nghề này ở xứ này, đôi khi chỉ để giữ im lặng không nghiêng bút về phía thế lực nào đó cũng đã là quá khó.
Ngồi nghe. Dưới kia cô Loan như điên như dại từng cơn khi thấy người đã từng ra lệnh đập nhà cô, cưỡng chế chiếc giường và tấm bạt cuối cùng căng trên đống xà bần, đang chễm chệ ngồi đó. Phải nhăn mặt vì không khí hội trường chốc chốc lại náo loạn nhưng cũng phải nhăn mặt vì thương. Mười mấy năm vùi trong khiếu nại, không ít người Thủ Thiêm đã không còn giữ được trạng thái tâm lý bình thường. Nghĩ đến sứ mệnh của “nhà báo cách mạng” bảo vệ người yếu thế mà cũng phải nhăn mặt.
Ngồi nghe. Thế rồi nghĩ đến cái còn lại ở Thủ Thiêm sau khi đã mất gần như tất cả: ấy là người dân. Những người dân vẫn lương thiện dù bị đẩy vào đường cùng mất nhà cửa, tài sản, sinh kế. Người dân xoay xở đổi nghề: lái xe, buôn bán, làm thuê, lầm lũi trong khu nhà tạm cư không đủ tiêu chuẩn sống, chắt chiu từng đồng theo đuổi cuộc khiếu nại. Người dân giận hờn tức uất, nói “Không tin ai cả" nhưng rồi lại vẫn kiên nhẫn trình bày, kiên nhẫn gửi đơn, kiên nhẫn chờ đợi… Dân vẫn còn đã là quá nhiều.
Ngồi nghe. Ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất chân thành kể về chuyến thăm Thủ Thiêm lần thứ nhất của ông, lặp đi lặp lại “Tôi không có gạt bà con". Một người đứng lên: “Tôi thấy lời hứa của ông còn tư duy nhiệm kỳ. Ông chỉ còn hai năm mà lại bảo giải quyết cho tất cả dân Thủ Thiêm còn cần thời gian dài...”. Ông Bí thư có vẻ giận nhưng vẫn kiên nhẫn lặp lại, nhấn mạnh: “Tôi không gạt bà con. Tôi nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam...”. Nghe giọng ông thật thà. Chợt vui. Cuối cùng mình cũng góp được một giọt nước nào đó để xoa dịu Thủ Thiêm.
Ấy là vì cách nay hai tuần mình có đưa ông chủ tịch về hưu Võ Viết Thanh đến Thủ Thiêm. Hai ngày đưa ông đi gặp những người dân mình đã từng gặp: nhà bà Giáp, nhà chị Vinh, nhà ông Hải, khu tạm cư. Ngồi trò chuyện với dân dưới gốc cây trứng cá giữa vùng trắng giải toả, ông lặp lại quan điểm của mình: “Phải lo cho dân chỗ ở mà chính mình, thân nhân mình ở được trước đã, sau đó mới tính đến chuyện đền bù. Thủ Thiêm này giờ cái gì sai, ai sai phải lôi ra đi. Nếu có tôi trong đó thì cũng lôi ra luôn đi…”.
Ông về, hẹn gặp Bí Thư Nhân, tư vấn cho thành phố, và nay, Bí thư Nhân lặp lại đúng lộ trình ấy của ông Thanh, quan điểm ấy của ông Thanh: nhà bà Giáp, nhà chị Vinh, nhà ông Hải, khu tạm cư, mời bà con ở khu tạm cư lên khu tái định cư trong lúc chờ thanh tra, chờ phương án giải quyết… Thôi thì cứ tạm như vậy đã, 20 năm rồi, còn vài tháng nữa như lời hứa thì cũng đủ để chờ.
Ngồi nghe. Cuối ngày mấy đồng nghiệp mệt mỏi xếp máy tính và quay sang tự chúc nhau ngày 21-6. Mình không thích nhắc đến ngày này là ngày báo chí, nhất lại là báo chí cách mạng. Những gì bà con Thủ Thiêm nói đến nhà báo đã đủ cay đắng. Tôn vinh giá trị thì quan trọng hơn việc kỷ niệm ngày thành lập một tờ báo nào đó, dù có là tờ báo đầu tiên hay không… Vậy thì, giá trị nào của 21-6?
Tất nhiên là giá trị của báo chí. Nghề này ở xứ này. Khi nào thì 21-6 được gọi là Ngày Sự thật Việt Nam?

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI”

TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM VÀ BIẾN ĐỘNG “GIẶC CHÀY VÔI” (Trong các bạn trên FB, có những người là cháu trực hệ của Tùng Thiện vương nê...