Người giàu trong xã hội càng nhiều lên, nhưng người sang không tăng mấy. Ai sang thì chắc chắn đã giàu, còn người giàu thì chưa chắc có được sự sang, tức sự quý phái toát ra từ cốt cách và tâm hồn, không phải do quần áo, xe cộ, nước hoa, ăn uống, tiền bạc địa vị bằng cấp mang lại. Muốn sang, người ta phải tự nhận thức và thay đổi tư duy và hành động nhiều lắm. Nếu bạn muốn sang, đọc nghiền ngẫm bài dưới đây. Câu nào cũng hay cả.
1. Hai bạn ly hôn nhanh chóng chỉ sau 1 năm
sống chung, mặc dù đã 10 năm yêu nhau. Khi gặp bạn bè chung, chỉ có thể nghe 2
bạn nói những điều tốt đẹp của người kia. Một số người sẽ khó chịu, bảo nếu
"toàn tốt đẹp thế thì sao không sống với nhau đi, bọn tôi muốn nghe cậu
nói SỰ THẬT. Có phải là lý do X, Y, Z....không" . XYZ là cái muốn nghe của
người tò mò (dưới danh nghĩa quan tâm). Đáp lại là một nụ cười, và "mình
xin giữ trong lòng, nói ra điểm không tốt của người cũ là người không tử tế".
Đám bạn ngao ngán vì cần "moi tin tức" để loan truyền, mà "nó
không nói điểm nào để có thể đi buôn chuyện". Người tầm thường, bé mọn chỉ
toàn nhìn điểm tiêu cực, và khi chia tay (hôn nhân lẫn đối tác làm ăn, quan hệ
bạn bè) là "nói cho đã, trút cho hết" thậm chí còn "thêm thắt
vào để lấy thêm quân ủng hộ". Nhưng người cao thượng và tử tế họ khác. Người
SANG không bao giờ nói điểm xấu của người họ từng gặp trong đời.
2. Phỏng vấn một bạn trẻ vừa nghỉ làm ở
công ty có thu nhập cao, môi trường tốt. Hỏi lý do nghỉ việc, bạn xin phép được
im lặng. Anh trưởng phòng còn non nớt, ép khai cho được với câu đe nẹt như
"nếu không nói thì chúng tôi không nhận". Bất ngờ bạn trẻ đáp lại
"Dạ theo em, khi nói về người xưa, chốn xưa, nếu không nói được những lời
nào tốt đẹp thì nên im lặng ạ". Thông thường, khi người ta nghỉ việc, họ bực
bội mà tuôn ra những lời không thương tiếc về chỗ đó, để chứng minh rằng
"công ty mày tệ quá nên tao mới dứt áo ra đi". Vì muốn được "có
giá" hơn nên mình nhấn mạnh cái khuyết điểm (mà chưa chắc đã là) của chốn
xưa để họ cùng nhau phê phán, nghe cho sướng tai vì..."đâu phải chỉ mình
tôi thấy vậy". Tâm lý học nói rằng, những người có cái tôi lớn thường hay
nhìn điểm xấu của người khác để tự nâng họ lên, tự sướng tinh thần vì họ luôn
đúng, luôn tốt, là nạn nhân, là bị hại, nguyên nhân là do người khác cả. Người
tử tế không nên vậy. Nhớ nhé các bạn, nói về người vắng mặt, kể cả trên mạng, nếu
không nói được điều gì tốt đẹp về họ, THÌ IM LẶNG. Và người nghe, ban đầu thấy
thú vị vì tò mò, nhưng sau đó thì họ sợ, vì "biết đâu khi nói với người
khác, nó cũng nói mình y chang vậy". Gần người ưa nói về khuyết điểm của
người khác, ta sẽ bị năng lượng xấu, hạn chế tiếp xúc để không bị năng lượng
này lây lan. Nếu bạn muốn nói khiếm khuyết của ai đó, trực tiếp gặp mặt nói mới
là người TỐT. Còn không dám thì thôi. Còn ai nghe người khác nói điểm yếu của
mình trực tiếp mà tự ái phản ứng lại (thay vì tiếp thu) thì quá trẻ con hoặc
cái tôi lớn. Không nên kết giao với người có máu tự ái, rất tốn thời gian.
3. Trong võ thuật, nguyên tắc chung là
không được "đánh dưới thắt lưng", tức phần bụng dưới. Mặc dù đánh
nhau là để giành chiến thắng, nhưng thắng phải vinh quang, phải cao thượng, có
đạo đức, có tư cách. Đánh lén, đánh úp bất thình lình, bắn tỉa, đánh dưới hạ bộ....đều
bị xem là hèn, hạ đẳng. Và tuyệt đối không được đánh khi người ta đã giơ tay
xin hàng, hoặc phải dừng tay khi đối thủ đã ngã. Những quý tộc phương Tây hay
Nhật Bản ngày xưa, nếu giải quyết mâu thuẫn có thể chọn đấu kiếm, đấu súng, chết
trong kiêu hãnh. Chiến tranh là chuyện của người đàn ông, không lôi phụ nữ và
trẻ con vào. Chuyện phụ nữ tham gia đánh giặc hay trẻ con anh hùng là sản phẩm
lịch sử trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, tránh nhắc nhiều vì không phù hợp
trong thế giới văn minh ngày nay. Phụ nữ còn phải tốn thời gian cuộc đời họ để
làm nhiệm vụ duy trì nòi giống cho loài người, chăm sóc người già và trẻ em cho
đàn ông ra trận, chăm lo sản xuất hậu phương, cần được nâng niu bảo vệ như ong
thợ bảo vệ ong chúa. Thương trường là chiến trường. Cạnh tranh là tất yếu nhưng
"đánh dưới thắt lưng" là điều mà một doanh nghiệp tử tế không ai làm.
Một doanh nghiệp tử tế phải bắt đầu bằng người chủ tử tế, rồi văn hoá tử tế lan
truyền dần xuống dưới các cấp quản lý, tới mọi nhân viên. Doanh nghiệp ngoài
tích luỹ tài chính, cũng phải SANG THIỆT SANG để thế giới ngước nhìn.
4. Một nhân vật nổi tiếng, khi bị sự cố, lập
tức có nhiều tin đồn lan ra, nhiều bài viết kể về. Bản án chưa tuyên, mà đã
dùng các cụm từ như "hắn, tên, gã" (nếu phụ nữ là "ả, thị").
Ai cũng là quan toà dù chưa 1 ngày học luật. Thông tin về người đó dưới tựa để
"đằng sau, chuyện chưa kể,..." được đám tò mò quan tâm nhất. Báo chí
phương Tây họ có cụm từ "bầy kềnh kềnh", một loài chim chuyên ăn xác
thối, chỉ lao vào rỉa rói khi con mồi đã bị thương không chống cự được, khác với
đại bàng là kiêu hãnh chủ động săn mồi khoẻ mạnh để ăn. Phương Đông nhẹ nhàng
hơn với cụm từ "giậu đổ bìm leo". Bìm là một loại cây yếu đuối, chờ
"giậu đổ" thì mới dám leo lên. Đạp người đã ngã ngựa là cách hành xử
tiểu nhân. Mình nên nhìn lại mình, nếu thấy hả hê trước sự cố của 1 ai đó (kiểu
đáng đời, đáng kiếp, cho chừa....) thì mình vẫn còn tư duy tiểu nhược. Còn ghét
người khác thì còn chưa thể thành người SANG.
5. Người nông dân xưa với tầm nhìn hạn chế
mới nghĩ ra các chuyện cổ tích lấy ác trả ác, lấy oán trả oán, vui mừng khi mẹ
con Cám bị hành hạ thể chất lẫn tinh thần. Các chi tiết không văn minh trong
truyện xưa (ví dụ cắt đầu dâng thủ cấp, nói dối, nuốt lời...trong Tam Quốc chẳng
hạn) đều đã biên tập lại không cho xuất bản trên khắp thế giới vì không phù hợp.
Ai còn mải mê tích tụ thêm đất thêm nhà (dù đã đủ cho nhu cầu cư ngụ), rồi ham
ăn háu uống (bia dô dô cả thùng), ăn thịt cún (tức thịt cẩu), lấy máu tươi làm
canh (tiết canh), hay động vật hoang dã thì là hạng PHÀM PHU TỤC TỬ, một đời
không sao trở thành người sang được. Người SANG họ có tâm hồn nên thích đọc
sách, họ yêu thơ mến văn, yêu âm nhạc, hội hoạ, yêu cà phê -yêu trà-yêu rượu
vang, yêu thiên nhiên và yêu con người, ưa du lịch và khám phá, luôn biết vừa đủ
vật chất để nâng cao giá trị giải trí tinh thần. Ai không lao động dù lành lặn,
còn nhận tiền trợ cấp của người khác là không thể sang. Thơ văn không ai ca ngợi
tầm gửi, các loại dây leo thân mềm, mà người ta ca ngợi cây tùng, cây bách, cây
thông. Hiên ngang và cô đơn giữa trời đất, vươn thẳng, chịu gió chịu tuyết chịu
sương, chịu điều tiếng nhưng vẫn quý phái bình thản. "Kiếp sau xin chớ làm
người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo" (Nguyễn Công Trứ).
6. Để làm được người sang thì đầu tiên phải
là người tử tế. Muốn có tử tế, thì phải có một văn hoá lớn, một triết học rất
sâu, một bản lĩnh lớn, đủ trình độ nhận thức và chiến thắng được cảm xúc, cảm
tính của cá nhân, vượt qua lòng tham của người tầm thường. Mọi cảm xúc rồi sẽ
qua, chỉ có hành động lúc cảm xúc là để lại hậu quả (kể cả vụ kia). Tôn trọng sự
thật, logic, quý trọng người khác, thương yêu tha nhân như thân nhân...mới là đẳng
cấp. Để kết thúc bài viết, mình xin kể các bạn nghe về sự tích cây thông Noel,
mà các bạn thường thấy dịp giáng sinh, nhưng ít người biết xuất xứ. Ở nước Đức
ngày xưa, có một tiều phu nọ rất nghèo, đi hái củi mỗi ngày. Đêm cuối năm, mùa
đông lạnh tuyết trắng trời. Trên đường đi làm về nhà, ông thấy có một đứa trẻ nằm
co quắp dưới một gốc thông, đã đói lả. Ông mang về nhà, sưởi ấm, cho ăn uống.
Sáng mai tỉnh dậy, không thấy đứa trẻ đâu, ông mở cửa ra tìm thì thấy một cây
thông thật đẹp đặt trước cửa nhà, hôm đó là gần ngày giáng sinh. Có thể chú bé
đã tỉnh dậy, đi tìm một cây thông đẹp tặng ông làm quà, hoặc Chúa cải trang đứa
bé để thử lòng nhân đức, tử tế trong đối xử với nhau của con người. Từ đó, cây
thông Noel còn gọi là cây nhân đức, hoặc một số nước còn gọi là cây tử tế, thường
được trang trí từ tháng 12 cho đến hết năm mới dương lịch.
Tháng 12, mùa giáng sinh, mùa nhân đức, mùa
tử tế đang về....
(Tony Buổi sáng)